Cơ hội của Australia giữa “cơn đói” đất hiếm

05:30' - 08/12/2019
BNEWS Mặc dù Australia có nguồn cung đất hiếm và công nghệ kỹ thuật cao đáng kể, nhưng thiếu hụt đầu tư đã kìm hãm ngành công nghiệp này phát triển.
Các nhà vận động lo ngại tác động tiêu cực về môi trường xung quanh khu mỏ. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN

Trong bài báo đăng tải trên tờ ABC của Australia, nhà báo Katrina Beavan cho hay Australia và Mỹ vừa ký kết một thỏa thuận mới liên quan tới hợp tác khai thác đất hiếm. Theo một số chuyên gia khoáng sản và các nhà sản xuất đất hiếm, thỏa thuận này có thể trở thành động lực giúp Australia phát triển một ngành công nghiệp khoáng sản mới nhiều ưu thế.
Thỏa thuận khai thác đất hiếm giữa Australia và Mỹ được ký kết chỉ vài tháng sau khi nguồn cung đất hiếm của thế giới bị đẩy vào “vùng sáng”, sau khi Bắc Kinh đe dọa hạn chế thương mại đất hiếm như một phần của cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và gia tăng nhu cầu về đất hiếm, tại khu vực ngoại ô hẻo lánh của Australia, công ty Nolans, nhà khai thác khoáng sản đất hiếm ở phía Bắc thị trấn Alice Springs, chào đón một thỏa thuận mới có tên gọi Nolans Bore.
Nolans đã hoạt động hơn 15 năm nay. Mới đây nhất, công ty mẹ, Arafura Resources, đã hé lộ thông tin đang chờ phê duyệt quyền sở hữu và tài chính, cũng như kế hoạch bắt đầu một thỏa thuận mới cho Nolans vào cuối năm tới.
Chi tiết đầy đủ của thỏa thuận hiện vẫn chưa được công bố, nhưng Brian Fowler, Tổng Giám đốc khu vực Bắc Australia của Arafura, cho biết đó là một dấu hiệu cho thấy các chính trị gia Australia đã nhận ra rằng vấn đề địa chính trị đang đe dọa đến nguồn tài nguyên đất hiếm như thế nào, do sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường.
Ông Fowler nói Trung Quốc đang kiểm soát 85% nguồn cung đất hiếm trên toàn thế giới. Dự án trị giá 1 tỷ AUD (tương đương 680 triệu USD) của Nolans sở hữu một trữ lượng đất hiếm lớn, có ý nghĩa toàn cầu, với khoảng 56 triệu tấn khoáng sản sẽ được khai thác.
Theo ông Fowler công ty có tiềm năng cung cấp từ 8-10% nhu cầu của thế giới về neodymium và praseodymium, hai trong số các khoáng chất đất hiếm. Các loại khoáng chất đặc biệt này thường được sử dụng để tạo ra các thỏi nam châm có cường độ mạnh nhất hành tinh, là nhân tố cần thiết tuyệt đối để dùng trong các động cơ của các loại xe ô tô điện và trong sản xuất năng lượng sạch như động cơ tuabin gió.
Ông Fowler nói dựa trên tổng số lượng các công ty sản xuất ô tô muốn lắp đặt động cơ điện, nguồn cung neodymium và praseodymium toàn cầu hiện thời được dự đoán là không đáp ứng đủ nhu cầu tương lai.
Chris Vernon, Giám đốc nghiên cứu chế biến tài nguyên khoáng sản của CSIRO, xác nhận nhu cầu về đất hiếm sẽ tăng cao trong thời gian tới. Ông nói, mặc dù Australia có nguồn cung đất hiếm và công nghệ kỹ thuật cao đáng kể, nhưng thiếu hụt đầu tư đã kìm hãm ngành công nghiệp này phát triển. Vì vậy, thỏa thuận của Nolans là rất hứa hẹn.
Theo ông Vernon, một trong những điểm nghẽn để dự án khả thi tại Australia đó là vấn đề tài chính và sự không chắc chắn. Vì vậy, nếu Chính phủ tham gia vào dự án này và cung cấp một số đảm bảo về mặt tài chính, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Ông Vernon cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chính là tiền đề để đất hiếm trở thành trọng tâm chú ý. Thị trường khoáng sản quý này sắp bùng nổ, đơn giản vì nhu cầu xe điện đang phát triển mạnh mẽ và mỗi một chiếc xe đều cần có nguyên liệu đất hiếm để sản xuất ra các thỏi nam châm trong động cơ xe.
Bên cạnh đó, còn có một thị trường công nghệ đang phát triển khác đòi hỏi lượng lớn nguyên liệu đất hiếm, như các thiết bị quân sự công nghệ cao. Nếu như đất hiếm dùng để sản xuất động cơ xe điện chỉ cần đạt vài chục kg thì với các thiết bị quân sự sử dụng công nghệ cao, nhu cầu về mặt hàng này lên tới hàng trăm kg trên mỗi thiết bị.
Australia đang có vị thế rất tốt để giành lợi thế đối với loại nhu cầu mới này, nhưng ông Vernon cho rằng hiện chỉ có một số ít các dự án đất hiếm tại “xứ chuột túi”.

Chúng bao gồm dự án Browns Range của Công ty khoáng sản miền Bắc, nằm tại khu vực trung tâm Australia, phía Đông của vùng Halls Creek ở bang Tây Australia và kéo dài về phía Nam của bang Tây Australia, thuộc phạm vi hoạt động của công ty Lynas ở vùng núi Weld. Một dự án nữa là Dubbo của Công ty tài nguyên Alkane nằm ở một vùng khác của Australia.
Trong khi dự án Nolans Bore đã có được sự chấp thuận cần thiết về môi trường, một nhóm các nhà vận động địa phương cho biết họ vẫn lo ngại những tác động tiêu cực về môi trường xung quanh khu mỏ. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận đất hiếm cần thiết cho việc chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh bằng cách gia tăng xe điện và tuabin gió được đưa vào sử dụng.
Alex Read, nhà hoạch định chính sách của Trung tâm Môi trường Đất Khô cằn (ALEC), cho biết tổ chức này đã hỗ trợ dự án một cách thận trọng, với điều kiện dự án phải tuân thủ các quy định về môi trường. Ông nói: “Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc cung cấp các nguyên liệu quan trọng cho quá trình sản xuất xe điện và năng lượng tái tạo, nhưng chúng tôi cần có sự tiếp cận cẩn trọng với các dự án khai thác đất hiếm”.
Chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia sẽ sớm bắt đầu tham vấn về dự thảo quy định bảo vệ môi trường sau khi thông qua Luật Bảo vệ Môi trường vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, ALEC muốn các dự thảo luật sẽ được xem xét trước khi các khu mỏ mới được đưa vào hoạt động. Ông Read phân tích một trong những lỗ hổng của khuôn khổ luật pháp hiện tại là không có một quy định nào để yêu cầu các giám đốc phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu họ không tuân thủ các quy định về môi trường.

Và đối với dự án đất hiếm, các nhà hoạt động lo ngại về mức độ hạt nhân phóng xạ tăng cao, cũng như rủi ro đáng kể đối với mạch nước ngầm, nước bề mặt và sức khỏe cộng đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục