Cơ hội "hạ cánh mềm" đối với nền kinh tế Canada ngày càng thu hẹp

09:19' - 01/10/2022
BNEWS Nền kinh tế Canada đang phải đối mặt với những trở ngại khi các đối tác thương mại chính đứng trước bờ vực suy thoái.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng trên nhiều mặt. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đang tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ trong nỗ lực chống lạm phát.

 

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có xu hướng leo thang trong tuần này, khi hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu gặp sự cố rò rỉ.

Trong khi đó, thị trường tiền tệ và trái phiếu của Vương quốc Anh đang biến động mạnh, khiến Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp và cảnh báo về "rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính của Vương quốc Anh".

Đây không phải là những tín hiệu tốt đối với nền kinh tế định hướng thương mại của Canada. Hầu hết các cuộc tranh luận về nguy cơ suy thoái ở Canada xoay quanh các vấn đề trong nước, bao gồm tác động của việc Ngân hàng trung ương Canada (BoC) tăng lãi suất đối với thị trường nhà ở và số tiền tiết kiệm mà người tiêu dùng đã tích lũy được.

Nhưng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm mạnh trong thời gian còn lại của năm 2022 và đến năm 2023, nhu cầu của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Canada giảm hoặc giá hàng hóa đi xuống có thể đẩy nền kinh tế Canada vào suy thoái.

Yếu tố quan trọng đối với Canada là những gì xảy ra ở Mỹ, nơi triển vọng kinh tế đã trở nên u ám trong tuần qua khi Fed nỗ lực kiềm chế nhu cầu để kiểm soát giá cả, với quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.

Theo ông Craig Alexander, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Deloitte Canada, nếu nền kinh tế Mỹ "hạ cánh cứng", Canada cũng sẽ khó thoát khỏi kịch bản tương tự.

Ngay cả Chủ tịch Fed, Jerome Powell cũng thừa nhận Fed đẩy chính sách tiền tệ vào vùng rủi ro, khi không ai biết liệu quá trình này có dẫn đến suy thoái hay không và nếu có, thì suy thoái sẽ nghiêm trọng đến mức nào.

Một cuộc suy thoái của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến một loạt các nhà xuất khẩu của Canada. Các công ty cung cấp gỗ và vật liệu xây dựng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự chậm lại của hoạt động xây dựng nhà của Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất hàng hóa lâu bền khác cũng sẽ bị ảnh hưởng khi người tiêu dùng Mỹ thắt chặt hầu bao.

Tình trạng trên có thể được "xoa dịu" phần nào nhờ đồng CAD yếu hơn. Đồng nội tệ của Canada đã mất giá so với USD khi các nhà đầu tư đổ xô vào đồng USD như một "nơi trú ẩn an toàn" và các thị trường đã đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất mạnh hơn so với BoC.

Và đồng CAD yếu hơn khiến hàng hóa xuất khẩu của Canada trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Alexander, ảnh hưởng chủ đạo vẫn có thể là sự suy yếu về nhu cầu. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu của Canada vẫn sẽ giảm. Nhưng thực tế là tỷ giá hối đoái thấp hơn có nghĩa là xuất khẩu của Canada sẽ không giảm nhiều.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ (không tính năm 2020 và cú sốc COVID-19), khi nước này phải thực hiện các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt và thị trường bất động sản sa sút.

Tại châu Âu, xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga đã khiến giá điện và khí đốt tự nhiên tăng vọt. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế hiện dự báo nền kinh tế Khu vực đồng sử dụng đồng euro chỉ tăng 0,3% vào năm 2023, so với dự báo hồi tháng Sáu là tăng 1,6%. Nền kinh tế Đức dự kiến sẽ giảm 0,7% trong năm tới, trong khi nền kinh tế Anh có thể sẽ không tăng trưởng.

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu cho thấy một triển vọng trái chiều đối với hoạt động thương mại của Canada. Một số công ty sẽ chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu. Nhưng nhìn chung, thương mại của Canada được hưởng lợi từ giá năng lượng cao.

Ông Stuart Bergman, nhà kinh tế trưởng tại Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Canada cho biết, các nhà xuất khẩu hàng hóa nói chung đang được hưởng lợi vào thời điểm này do nguồn cung toàn cầu thắt chặt và giá nhiều hàng hóa cao.

Trong ngắn hạn, sự biến động của giá hàng hóa có thể có tác động lớn đến thương mại và một số hàng hóa chủ chốt lại có xu hướng giảm giá. Giá một thùng dầu thô West Texas Intermediate tại Bắc Mỹ đã giảm xuống dưới 80 USD trong tuần này, từ mức 122 USD vào tháng Sáu.

Nếu các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ hạn chế sản lượng, giá dầu có thể ở mức tương đối cao, có lợi cho các nhà sản xuất năng lượng của Canada.

Nhưng các yếu tố địa chính trị khác như "số phận" của các cuộc đàm phán nhằm kiểm soát chương trình phát triển hạt nhân của Iran và các hạn chế hơn nữa đối với xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga cũng sẽ có tác động lớn đến giá năng lượng.

Ông Bergman bày tỏ hy vọng thương mại sẽ hỗ trợ nền kinh tế Canada vượt qua giai đoạn bất ổn sắp tới, nhưng thừa nhận khả năng "hạ cánh mềm" ngày càng giảm đi./.

Tin liên quan

  • Kinh tế Canada tăng nhẹ Kinh tế Thế giới

    Kinh tế Canada tăng nhẹ

    13:02' - 30/09/2022

    Dữ liệu của Cơ quan thống kê Canada công bố ngày 29/9 cho thấy nền kinh tế Canada tăng 0,1% trong tháng 7, so với dự báo giảm 0,1% của các chuyên gia phân tích kinh tế.


Tin cùng chuyên mục