Cơ hội kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

17:19' - 10/09/2015
BNEWS Ngày 10/9, tại Hà Nội đã diễn ra ba triển lãm lớn về công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngày 10/9, tại Hà Nội, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Công ty Reed Tradex – Thái Lan đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức ba triển lãm lớn về chế tạo khuôn mẫu, công nghiệp phun ép nhựa và công nghiệp hỗ trợ.

Các triển lãm này gồm: Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 6; Triển lãm Quốc tế công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam và Triển lãm sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2015. Các triển lãm này sẽ diễn ra từ 10- 12/9 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ.

Một khách hàng tìm hiểu về sản phẩm tại hội chợ. Ảnh: Đức Dũng/Bnews

Để tạo nhiều cơ hội kết nối, ban tổ chức đã xây dựng chương trình “Kết nối doanh nghiệp” ngay tại triển lãm giúp cung cấp những yếu tố cần thiết cho sự cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ triển lãm, sẽ có chương trình “Ngày kết nối doanh nghiệp” được tổ chức vào ngày 11/9 nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa các nhà sản xuất Nhật Bản với các nhà chế tạo phụ tùng Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại hội chợ. Ảnh Đức Dũng/Bnews

Phát biểu khai mạc sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, triển lãm lần này với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ sẽ là cầu nối giúp các doanh nghiệp, các nhà chế tạo và các nhà sản xuất công nghiệp trong nước và quốc tế có cơ hội tìm kiếm thị trường, hợp tác kinh doanh và đầu tư lâu dài.

Theo ông Katsuro Nagai, Công sứ Kinh tế – Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù gần một nửa trong số đó thuộc lĩnh vực sản xuất, song tỷ lệ sản phẩm nội địa mà những công ty Nhật Bản này thu mua chỉ đạt 33%.

Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm nội này được cung cấp bởi các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Điều này cho thấy giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản còn rất hạn chế và cần được phát triển. “Với hơn 100 doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ tham gia, tôi tin tưởng rằng, triển lãm sẽ đẩy mạnh giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản” - ông Katsuro Nagai nói.

Trong những năm gần đây, sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ. Khảo sát cho thấy, số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng lên 517 dự án trong 2014. Tuy nhiên, khó khăn trong việc thu mua nội địa các linh kiện phụ tùng vẫn còn là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo JETRO, tỷ lệ thu mua nội địa của các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam là 33% trong năm 2014. Trong khi đó, ở Trung Quốc là 66%, Thái Lan 55% và Indonesia là 43%.

Trong năm 2018, Việt Nam sẽ xoá bỏ 97% các dòng thuế quan theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN, mang lại lợi ích cho Việt Nam trong việc thu hút môi trường đầu tư. Tuy nhiên, các công ty Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các nhà sản xuất láng giềng cung cấp các sản phẩm với giá thành thấp hơn.

Chuỗi triển lãm lần này sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam; kết nối được nhiều nhà chế tạo phụ tùng trong nước với khách hàng nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm, công nghệ, đồng thời, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ được mở rộng thông qua gặp gỡ các nhà cung cấp chất lượng tại triển lãm.../.

Đức Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục