Cơ hội mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp Đức

15:44' - 19/03/2024
BNEWS Sáng 19/3, nhằm mở rộng kết nối đầu tư với gần 400 doanh nghiệp Đức, tại Bình Dương đã diễn ra Hội nghị gặp gỡ giữa các lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Tham dự hội nghị có ông Alexander Ziehe Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và lãnh đạo các ban ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, riêng đối với thị trường Đức, hiện có có 18 đầu tư đang đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn đăng ký là 50,7 triệu USD chiếm 0,4% tổng số dự án và 0,1% tổng số vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh với lĩnh vực chính là công nghiệp chế biến chế tạo; trong đó, có các dự án tiêu biểu như: Công ty Thiết bị viễn thông VNPT-Siemens, Nhà máy Công ty TNHH Liên Doanh Hasan – Dermapharm, Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer Việt Nam, Dự án Nhà Máy Của Siemens Tại Bình Dương….

Mặc dù sự đầu tư này còn chiếm tỷ lệ còn khá khiêm tốn, nhưng tỉnh Bình Dương hy vọng, trong thời gian sắp với, với sự xoay trục của kinh tế toàn cầu và những nỗ lực của địa phương, Bình Dương hứa hẹn sẽ là điểm đến tiềm năng của các doanh nghiệp Đức với nền tảng công nghệ hiện đại và nền quản trị tiên tiến.

Theo ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, Hiệp hội có gần 400 công ty thành viên. Bình Dương là một trong những địa điểm chính cho các dự án đầu tư của Đức từ các ngành công nghiệp khác nhau chỉ đứng sau Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Tuy nhiên, Hiệp hội đề xuất địa phương ưu tiên giải quyết các lĩnh vực về hạ tầng đặc biệt là các tuyến đường chính kết nối Tp. Hồ Chí Minh, giao thông tới sân bay tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến đi công tác quốc tế và đảm bảo những chuyến thăm khách hàng kịp thời.

Cùng đó, cải thiện quản lý chất thải và hệ thống năng lượng mặt trời áp mái. Bên cạnh đó, cải thiện thời gian và kênh thông tin cho các chính sách mới bằng cách thông báo thay đổi ít nhất trước 3 tháng, công bố mọi thay đổi một cách rõ ràng  trên phương tiện trực tuyến và ngoại tuyến bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Hiệp hội cũng khuyến nghị miễn thuế việc sử dụng máy móc ngắn hạn và các mô hình cho thuê khác khỏi các thủ tục hành chính phức tạp, khuyến nghị công bố hướng dẫn thực tế và giảm bớt thủ tục hải quan.

Ngoài ra, triển khai thống mã số và chữ ký AI, cũng như kiểm tra tài liệu AI để hạn chế giấy tờ và đơn giản thủ tục, triển khai một hệ thống theo dõi và phản hồi trực tuyến.

Tại hội nghị, Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Bình Dương có cơ hội trao đổi trực tiếp, lắng nghe các nhà đầu tư đến từ Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trình bày những câu hỏi về môi trường đầu tư, cũng như những đề xuất cho định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho hay, trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh; nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh để tập trung vào hiện đại hoá các ngành công nghiệp hiện hữu; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hoá và đổi mới ngành công nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng hệ thống giao thông liên kết vùng bằng việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với các công trình trọng điểm như: đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, Quốc lộ 56B, ĐT.745B (Tây Ninh – Bình Dương – Bình Phước), đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường Mỹ Phước – Tân Vạn, Quốc lộ 13; ...

Tỉnh Bình Dương ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục vụ chuyển đổi xanh nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực như phát triển năng lượng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới thực hiện cam kết Netzero vào năm 2050. Theo đó, tập trung vào các đối tác tiềm năng hàng đầu thế giới với trình độ quản trị hiện đại và có thế mạnh trong những ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động và tạo ra giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, logistics, điện – điện tử, cơ khí chính xác. Các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ với tầm nhìn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, với hơn 60.000 doanh nghiệp, thu hút hơn 1,2 triệu lao động; là tỉnh đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 4.247 dự án FDI, có tổng vốn đăng ký là 40,5 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lũy kế 2 tháng đầu năm ước tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư nước ngoài, trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 340,6 triệu USD, bằng 441% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội) với 4.247 dự án. Tổng số vốn đăng ký đầu tư là 40,5 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư FDI cả nước, quy mô trung bình dự án khoảng 9,6 triệu USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục