Đức có phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đất hiếm?

06:30' - 17/03/2024
BNEWS Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu các nguyên liệu thô quan trọng để thúc đẩy quá trình “chuyển đổi xanh”.

Nhưng nhiều loại đất hiếm cần thiết lại nằm trong tay các đối thủ cạnh tranh. 

Các khoáng chất và kim loại như lithium và đồng; tiếp đến là đất hiếm, như scandium, cerium, promethium, terbium và thulium. Đất hiếm không hề hiếm. Loại hiếm nhất - thulium – hiện còn phổ biến hơn vàng, nhưng người ta ít khi tìm thấy số lượng khiến việc khai thác trở nên có giá trị kinh tế.      

Kết quả nghiên cứu do Viện Kinh tế Đức (IW) có trụ sở tại Koln cùng với Cơ quan Nghiên cứu Đổi mới và Hệ thống Fraunhofer (ISI) công bố đã làm sáng tỏ việc nhập khẩu các loại đất hiếm này của Đức, cùng với đồng và lithium, để đánh giá tầm quan trọng của chúng đối với nền kinh tế.

* Các nhà xuất khẩu có sức mạnh thị trường lớn

Nghiên cứu cho thấy khoảng 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất của Đức phụ thuộc vào việc sản xuất hàng hóa có chứa đồng. Trong khi đó, 10% đến từ việc sản xuất hàng hóa có chứa lithium và hơn 20% đến từ hàng hóa có chứa đất hiếm.    

Tác giả của báo cáo lưu ý rằng các nhà máy chế tạo ô tô và nhà cung cấp đặc biệt phụ thuộc vào những nguyên liệu thô này, giống như các nhà sản xuất hàng điện, điện tử và quang học.     

Hiện nay, thị trường nguyên liệu đất hiếm chỉ do một số ít nhà cung cấp thống trị. Mỏ đất hiếm lớn nhất là ở Trung Quốc, còn các loại khoáng sản ở Greenland, Canada và Thụy Điển vẫn chưa được điều tra đầy đủ và do đó không thể định lượng được.    

Khoảng 30% lượng nhập khẩu có chứa lithium của Đức và 19% lượng nhập khẩu đồng và đất hiếm của nước này được coi là đến từ các nguồn có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đối với lithium và đất hiếm, 3 nhà cung cấp lớn nhất có thị phần trên 80%.   

Đặc biệt quan trọng đối với Đức là nhập khẩu đồng từ Nga và lithium cacbonat từ Chile - 72% lượng lithium nhập khẩu của Đức đến từ quốc gia Nam Mỹ này.

Báo cáo cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể sẽ phụ thuộc nhiều vào đất hiếm của Trung Quốc trong một thời gian đáng kể.

 

* Phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga

Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW của Đức, ông Matthias Wachter thuộc Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), cho biết: “Sự phụ thuộc của Đức vào nguồn nguyên liệu thô phi năng lượng từ Trung Quốc còn lớn hơn sự phụ thuộc của nước này vào khí đốt Nga”.           

Ông Matthias Wachter lưu ý việc nhập khẩu các sản phẩm khoáng sản, lọc dầu và thương mại có liên quan đến “mức độ rủi ro cao nhất”. Rủi ro không phải là sự sẵn có về mặt vật lý của nguyên liệu thô mà là sự tập trung của chúng vào việc thăm dò và (nhu cầu) chế biến thêm ở Trung Quốc. Điều này khiến chúng dễ bị tổn thương.   

Ông Matthias Wachter lưu ý rằng Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số khoáng sản đất hiếm. Cố vấn cấp cao tại IW Cornelius Bähr, lưu ý rằng nhu cầu đối với các loại nguyên liệu thô này dự kiến sẽ tăng, trong đó có cả lithium để sản xuất pin.   

Ông Cornelius Bähr cũng chỉ ra những rủi ro chính trị, đáng chú ý là tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn, mà ông cho rằng đã dẫn đến việc hai bên cùng hạn chế nhập khẩu hoặc ít nhất là cảnh báo hạn chế.

* Làm thế nào để tăng cường an ninh đất hiếm?

Chuyên gia Fritzi Köhler-Geib - Nhà kinh tế trưởng tại KfW - Ngân hàng Tái thiết Đức thuộc sở hữu liên bang thực hiện nghiên cứu, cảnh báo: “An ninh nguyên liệu thô yêu cầu kiểm toán toàn bộ chuỗi cung ứng – từ khai thác đến các sản phẩm trung gian nhập khẩu”. “Nguồn cung nguyên liệu thô linh hoạt ban đầu sẽ phát sinh chi phí, nhưng cuối cùng đây là điều kiện tiên quyết để định hình quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số”.           

Chuyên gia của BDI Matthias Wachter lưu ý rằng việc giảm sự phụ thuộc vào các thị trường lớn và xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn trong chuỗi cung ứng “không thể xảy ra trong một sớm một chiều”. Ông cho biết việc đa dạng hóa (nguồn cung) là cần thiết, bên cạnh việc tăng cường sản xuất trong nước. Trái với suy nghĩ của nhiều người, Đức là quốc gia giàu về một số nguyên liệu thô.    

Trong khi đó, ông Bähr kêu gọi Đức “đa dạng hóa các quốc gia cung cấp, thay thế các nguyên liệu thô quan trọng, mở rộng nguồn lực của chính mình và tăng cường tái chế”.

* Rủi ro lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Đức

Chuyên gia BDI Matthias Wachter kêu gọi định vị rộng hơn đối với kinh tế Đức, cho rằng “không đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ gây nguy hiểm cho an ninh nguồn cung của Đức”.  

Ông cảnh báo rằng nền kinh tế công nghiệp của Đức sẽ đứng trước nguy cơ nghiêm trọng nếu mất khả năng tiếp cận các loại nguyên liệu thô này, những tham vọng về khí hậu của nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ông Bähr cho biết: “Việc không tiếp cận được với các nguồn nguyên liệu thô, sẽ có nguy cơ khiến sản xuất công nghiệp không thể diễn ra tại nước này”.

Một ví dụ mà ông đưa ra là khả năng không tiếp cận được với lithium, điều mà theo ông có nghĩa là việc sản xuất pin không thể diễn ra ở Đức.  

Ông Bähr cho biết: “Không thể chế tạo ô tô điện và do đó, việc tạo ra giá trị công nghiệp và việc làm sẽ bị mất đi”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục