Cơ hội nào cho cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tại các dự án giao thông giai đoạn tới?

19:44' - 20/03/2022
BNEWS Trong thời gian tới nhiều dự án giao thông được triển khai, đặc biệt là các dự án cao tốc sẽ là cơ hội phát triển cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thi công xây lắp.
Chia sẻ tại hội nghị đối tác chiến lược do Công ty cồ phần Tập đoàn Đèo Cả  (DCG) vừa tổ chức tại Tp. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả (phụ trách mảng đầu tư) chia sẻ, dự báo nhu cầu vốn dành cho hạ tầng giao thông đến năm 2030 tại Việt Nam khoảng 2 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định đến năm 2030, tổng chiều dài đường bộ cao tốc của Việt Nam sẽ được nâng từ hơn 1.100 km ở thời điểm hiện tại lên 5.000 km vào năm 2030.

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu này, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu trong từng thời kỳ trung hạn làm cơ sở cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện. Theo đó, năm 2025, nước ta sẽ có 3.000km cao tốc và năm 2030 là 5.000 km theo mục tiêu đề ra.

“Ước tính, nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông đường bộ khoảng 490.000 tỷ đồng vào năm 2025 và khoảng hơn 900.000 tỷ vào năm 2030. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông nói chung và Tập đoàn Đèo Cả nói riêng tham gia tăng quy mô công ty, phát huy giá trị và tiếp tục khẳng định thương hiệu trên những công trình giao thông lớn”, ông Nguyễn Quang Vĩnh chia sẻ.

Về Tập đoàn Đèo Cả, theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, tới đây, doanh nghiệp sẽ ưu tiên phát triển hệ sinh thái xung quanh lĩnh vực hạ tầng giao thông, bao gồm 4 lĩnh vực cốt lõi: Đầu tư hạ tầng giao thông; Tổng thầu thi công xây lắp; Quản lý khai thác vận hành, bảo trì công trình giao thông và Đầu tư bất động sản, công nghiệp, dịch vụ.

“Riêng về lĩnh vực đầu tư/thi công hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021 - 2025, hàng loạt các công trình lớn sẽ được triển khai như: dự án đường vành đai 4, 5 vùng Hà Nội, đường Vành đai 3, 4 Tp. Hồ Chí Minh, các dự án cao tốc liên vùng ở khu vực phía Bắc, Tây Nguyên và phía Nam, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam.

Đèo Cả đặt mục tiêu sẽ tham gia đầu tư xây dựng 300km cao tốc, 25 km cầu lớn, 9 km hầm, đẩy mạnh các hợp đồng quản lý dự án.

Từ quyết tâm đó, doanh thu của tập đoàn dự kiến sẽ đạt gần 4.000 tỷ đồng trong năm 2022, hơn 10.400 tỷ đồng năm 2023, gần 12.000 tỷ đồng trong năm 2024 và hơn 12.400 tỷ đồng vào năm 2025”, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả thông tin.

Đáng nói, để đạt được những con số nêu trên, định hướng của Đèo Cả không chỉ là đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mà còn vươn tầm hợp tác với nhiều nhà đầu tư, tổng thầu trên cả nước phát triển các sản phẩm mới như: đường sắt tốc độ cao, hầm dìm vượt sông, bất động sản nghỉ dưỡng…

Tại sự kiện này, Tập đoàn Đèo Cả đã tiến hành ký kết thoả thuận hợp tác với 13 đơn vị nhằm khai thác, phát huy thế mạnh, tiềm năng và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các bên, xác lập quyền lợi và trách nhiệm của nhà cung ứng, nhà thầu, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng với các nguyên tắc chung.

Theo đó, về quyền lợi họ sẽ trở thành đối tác chiến lược của DCG, được tạo mọi điều kiện để tham gia dự án mà Đèo Cả thực hiện, DCG sẵn sàng cung cấp và hỗ trợ tài chính, pháp lý khi đơn vị gặp khó khăn hoặc yêu cầu, quảng bá thương hiệu trên trang website Tập đoàn và trên các phương tiện thông tin đại chúng, được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư cổ phần và cổ phiếu của Tập đoàn Đèo Cả. Về trách nhiệm, các đơn vị là nhà cung ứng, nhà thầu, các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư phải phải cam kết đồng hành từ lúc bắt đầu cho đến lúc phát triển dự án; chủ động các hồ sơ năng lực, tạm ứng và thanh quyết toán (bao gồm hồ sơ thuế, tín dụng); xác lập niềm tin tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp các tài nguyên, năng lực, đảm bảo chất lượng, tiến độ, gia cả cạnh tranh; đưa ý kiến khuyến cáo đối với việc tăng giảm giá vật liệu hoặc cải tiến công nghệ... có chế độ như lưu kho, mở kho với cửa hàng chuyên dụng (nhựa, xi măng, sắt, thép,…), đảm bảo chế độ bảo hành tối thiểu bằng mức yêu cầu của chủ đầu tư với các loại thiết bị vật tư…

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, trong hoạt động doanh nghiệp, tiền có thể đi vay nhưng văn hóa và nhân lực là hai thứ phải tự tạo lập.

“Điều đó được thể hiện rõ trong phương châm phát triển của Tập đoàn: “Quản người - Quản việc - Quản lợi nhuận”, yếu tố con người được ưu tiên phát triển sau đó mới đến lợi ích. Một doanh nghiệp có nhiều con người tốt sẽ có tổ chức tốt và sự phát triển bền vững”, ông  Hồ Minh Hoàng chia sẻ.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả ký kết Thỏa thuận hợp tác với Đại học Quy Nhơn và Đại học Giao thông vận tải Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Được biết, để tiếp tục phát triển quy mô tập đoàn, Đèo Cả đặt mục tiêu đưa quy mô nhân sự từ 5.100 người năm 2021 lên 2.000 nhân sự vào năm 2022, đạt 6.100 người; năm 2023 là 8.600 người, năm 2024 là gần 9.600 người và năm 2025 là hơn 10.500 nhân sự.

Cũng trong chương trình này, Đèo Cả đã tổ chức lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác với 6 trường là Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V, Đại học Quy Nhơn, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải và Đại học Giao thông vận tải Hồ Chí Minh. Nội dung các thỏa thuận khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện học tập, cơ hội việc làm cho sinh viên, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Đèo Cả với các nhà trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục