Đề nghị 12 địa phương quản lý chặt chẽ mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

16:50' - 20/03/2022
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi UBND 12 tỉnh, thành phố về triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

UBND 12 tỉnh, thành phố này gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

 
Tại văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt nhấn mạnh bất cập hiện nay là tuyến cao tốc đang trong quá trình chuẩn bị dự án, nhưng đã xuất hiện tình trạng người dân xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích thuộc phạm vi dự án cao tốc để trục lợi, gây phức tạp cho công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

"Trước thực trạng đó, các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; tuyên truyền vận động người dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc và chấp hành nghiêm các quy định về xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các Ban quản lý dự án bàn giao hồ sơ khảo sát và hình ảnh hiện trạng tại thời điểm khảo sát để các địa phương làm căn cứ quản lý, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng", văn bản nêu rõ.

Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, từ ngày 13 - 15/3/2022, Bộ đã phối hợp bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 của các dự án thành phần với tổng chiều dài 133,8 km và sẽ tiếp tục bàn giao cho địa phương các đoạn còn lại trước ngày 30/6/2022.

Theo kế hoạch, dự kiến đến ngày khởi công dự án, các địa phương sẽ bàn giao khoảng 70% diện tích mặt bằng. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương phải triển khai nhiều công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Hội đồng giải phóng mặt bằng hoặc đơn vị đầu mối triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, triển khai chỉ định đơn vị tư vấn (khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư,...) để thực hiện ngay sau khi Bộ Giao thông Vận tải bàn giao hồ sơ thiết kế, cắm cọc giải phóng mặt bằng.

"UBND các tỉnh, thành phố cũng chỉ đạo đơn vị liên quan tập trung hoàn thành thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31/3/2022; tổng hợp nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/3/2022", Bộ Giao thông Vận tải đề nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục