Cơ hội nào cho mô hình sản xuất – thương mại sản phẩm nông sản sạch

12:51' - 15/08/2018
BNEWS Hiện mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng là an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các mô hình sản xuất – thương mại sản phẩm nông sản sạch, nông sản hữu cơ.
Người dân mua hoa quả sạch tại một cửa hàng nông sản sạch. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Tăng trưởng kinh tế ổn định là nền tảng cho sự tăng trưởng bùng nổ của ngành thực phẩm và đồ uống, cụ thể ngành này đang chiếm tỷ lệ khoảng 15% GDP. Trong đó, sự dịch chuyển từ “ăn ngon mặc đẹp” sang “tiêu dùng an toàn”, không chỉ cho thấy mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng là an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các mô hình sản xuất – thương mại sản phẩm nông sản sạch, nông sản hữu cơ.
*Tỷ lệ phân phối và tiêu dùng thấp
Ghi nhận thực tế trên thị trường hiện nay, các mô hình sản xuất – thương mại trong phân phối, kinh doanh nông sản sạch, nông sản hữu cơ chủ yếu là người sản xuất liên kết với thương lái, doanh nghiệp bao tiêu, hoặc người sản xuất chủ động bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu khảo sát cũng chỉ ra rằng, nông sản sạch, nông sản hữu cơ bán qua các kênh truyền thống như hộ kinh doanh ở chợ, cửa hàng nhỏ lẻ, thương nhân, tiểu thương… chiếm khoảng 85%; còn lại 15% là qua kênh hiện đại như các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Điều này cho thấy, tỷ lệ nông sản sạch, nông sản hữu cơ được bán qua kênh phân phối hiện đại thấp hơn so với tỷ lệ bình quân của hàng hóa kinh doanh tại kênh này và thấp hơn các chủng loại hàng hóa phi thực phẩm.
Vấn đề nông sản sạch, nông sản hữu cơ được kinh doanh, bán buôn tràn lan qua nhiều kênh đã và đang gây quan ngại về rủi ro an toàn thực phẩm, trong khi đó các mặt hàng này lại chiếm tỷ lệ thấp trong các kênh phân phối hiện đại càng gây khó khăn cho người tiêu dùng nhận diện sản phẩm an toàn và chất lượng. Theo Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, có khoảng 48% người tiêu dùng thực phẩm đánh giá các sản phẩm tốt cho sức khỏe hiện không đủ để đáp ứng nhu cầu của họ; 74% cẩn trọng khi tìm hiểu các nhãn hàng dinh dưỡng. Đặc biệt, có 40% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho thực phẩm sạch; 79% chủ động tìm kiếm các sản phẩm có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe.
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, kênh phân phối, bán lẻ hiện đại đã chiếm gần 30% thị phần trên thị trường so với trước kia là khoảng 20%. Mặc dù vậy, các mặt hàng thực phẩm chủ yếu bán lẻ ở kênh truyền thống dẫn đến nhiều thách thức trong quản lý, giám sát và kiểm soát những vấn đề liên quan an toàn thực phẩm. Một trong những bài toán đặt ra cho ngành nông sản sạch, nông sản hữu cơ là nông sản sạch, nông sản hữu cơ được kinh doanh online hay bán buôn tự phát ngày càng phát triển mạnh mẽ, tiếp cận người tiêu dùng với nhiều hình thức, nhưng khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhất là đảm bảo an toàn thực phẩm. Song song đó, hầu hết các siêu thị đã có quầy hàng nông sản sạch, nông sản hữu cơ nhưng giá thành khá cao, nguồn hàng không đa dạng và tình trạng khan hiếm hàng hóa, cũng là một trong những thách thức lớn.
Theo Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, các nhóm sản phẩm nông sản sạch, nông sản hữu cơ hiện đang có mặt trên thị trường tập trung ở nhóm thực phẩm, đồ uống nhập khẩu; thực phẩm tươi sống trong nước; thực phẩm chế biến trong nước; các dịch vụ cung ứng kèm theo… Nhưng các nhóm này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số lượng tiêu thụ nông sản, thực phẩm hàng ngày của người tiêu dùng. Trong tình trạng hàng hóa nông sản sạch, nông sản hữu cơ Việt Nam chưa đảm bảo nguồn cung và đa dạng chủng loại, thì còn rất nhiều dư địa cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả đơn vị sản xuất lẫn nhà bán lẻ.
* Kết nối sản xuất kinh doanh
Nông nghiệp hữu cơ đã và đang trở thành một trong những quan tâm hàng đầu của Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã là một trong 170 quốc gia có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới. Trong đó, có thể kể đến các mô hình sản xuất quy mô lớn phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng trong nước; hợp tác xã liên kết với chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch…
Trước bối cảnh mạng lưới phân phối, bán lẻ nông sản sạch, nông sản hữu cơ vẫn chưa rộng và nhiều, các chuyên gia cho rằng kết nối sản xuất – kinh doanh – tiêu dùng là vấn đề sống còn. Trong đó, cần sự tham gia nhập cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các nhà bán lẻ, để tạo động lực để các nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư, nâng cao nhận thức về giá trị sản phẩm hữu cơ và quảng bá phổ biến đến người tiêu dùng.
Theo ước tính của Nielsen (Công ty nghiên cứu thị trường và truyền thông toàn cầu), giá trị tổng thị trường thực phẩm hữu cơ tại hai thành phố lớn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có thể đạt 400 tỷ đồng/năm. Hầu hết chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch cũng tập trung chủ yếu ở hai thành phố này và số lượng chuỗi đang tăng trưởng với tốc độ khá nhanh. Đặc biệt, sự xuất hiện của mô hình cửa hàng bán sỉ và lẻ kết hợp (semi-retailer) – loại cửa hàng mới nổi, là những cửa hàng mà phần doanh thu từ 10% - 90% đến từ nguồn cung cấp cho các nhà bán lẻ thứ cấp.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh nông sản sạch, nông sản hữu cơ ông Naohisa Saeki, Phó Tổng giám đốc khối vận hành và khối thu mua Aeon Việt Nam cho hay, nhà bán lẻ này thu khoảng 15.000 USD/tháng doanh thu từ kinh doanh thực phẩm hữu cơ tại Aeon Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh. Người tiêu dùng rất ưa chuộng các mặt hàng hữu cơ kinh doanh tại Aeon, nên nhà bán lẻ này ưu tiên chọn nhóm hàng organic là nhóm hàng trọng điểm trong tương lai và mong muốn liên kết nhiều hơn với các nhà sản xuất, doanh nghiệp để mở rộng hơn nhóm hàng này. Việc liên kết giữa nhà bán lẻ và đơn vị sản xuất không chỉ mang lại lợi ích cho các bên, mà còn bảo đảm nguồn cung ổn định cho khách hàng.
Ông Naohisa Saeki nhấn mạnh, Aeon kỳ vọng góp phần hiện đại hóa nông nghiệp thông qua hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp sản xuất vì hiện tại quy mô và năng suất sản xuất còn thấp. Do đó, trong hoạt động liên kết sản xuất kinh doanh, đối tác cần đảm bảo tuân thủ phát luật Việt Nam về an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm để khách hàng an tâm sử dụng.
Ngoài các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn, ông Nguyễn Sơn Công, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho hay, trong xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ hiện nay, các đơn vị sản xuất nên chủ động liên kết với cộng đồng các chung cư tại những thành phố lớn; nhóm cơ quan, doanh nghiệp; trường mầm non, trường học bán – nội trú… Đây là những khu vực có hiểu biết về nông nghiệp hữu cơ nên nhu cầu tiêu dùng rất lớn, đồng thời thông qua các hình thức liên kết trực tiếp sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm do khâu trung gian, tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, với nông sản sạch, nông sản hữu cơ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục