Cơ hội và thách thức với xuất khẩu gỗ của Việt Nam

19:06' - 31/10/2018
BNEWS Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản sẽ giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường EU và nhiều thị trường khác.
Tọa đàm trực tuyến: “Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT: Cơ hội và thách thức với xuất khẩu gỗ của Việt Nam”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến: “Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT: Cơ hội và thách thức với xuất khẩu gỗ của Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức tại Hà Nội, ngày 31/10, bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, các đơn hàng đã tăng lên ngay sau khi Việt Nam ký Hiệp định VPA/FLEGT với EU.
Bà Nguyễn Tường Vân cho biết, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) không chỉ giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường EU mà còn sang nhiều thị trường khác.
Bởi trong 6 nước xuất khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, có 5 nước (trừ Trung Quốc) đã có những quy định bắt buộc về nguồn gốc gỗ, gỗ hợp pháp, gỗ sạch mới được xuất khẩu vào nước họ.
Khi Việt Nam đàm phán về Hiệp định, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác rất chờ đợi, kỳ vọng Việt Nam có cam kết mạnh mẽ để xây dựng một thị trường gỗ hợp pháp, một hệ thống quốc gia về gỗ hợp pháp, bà Vân chia sẻ.
Để Hiệp định phát huy hiệu quả ngay sau khi có hiệu lực, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngay từ khi bắt đầu đàm phán, Việt Nam đã xây dựng các cơ chế, chính sách thích ứng, phù hợp với các quy định của Hiệp định. Điển hình là Luật Lâm nghiệp sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019, các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT cũng được quy định trong Luật.

Đồng thời Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa các cam kết chính của Hiệp định, bộ tiêu chí chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam…
Với cấp địa phương, ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, khi chưa có Hiệp định VPA/FLEGT, người dân và doanh nghiệp đã nhận thấy gỗ không có chứng chỉ sẽ gặp khó trong xuất khẩu. Học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế cũng như cách làm của các địa phương đi trước như Quảng Trị, Tuyên Quang đã phát triển các vùng nguyên liệu gỗ để được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vừng (FSC).
Đến nay, Tuyên quang đã có 19.700 ha rừng đạt chứng chỉ FSC. Năm 2019, Tuyên Quang phấn đấu cấp thêm chứng chỉ cho 4.500 - 5.000 ha. Mỗi năm, riêng Công ty cổ phần Woodsland đã xuất khẩu khoảng 400.000m3 gỗ có chứng chỉ FSC sang thị trường EU.
Triển khai trồng rừng có chứng chỉ FSC, Tuyên Quang nhận thấy ý thức của người dân đã thay đổi, tuân thủ tốt các quy định trong sản xuất. Quyền lợi của người lao động được đảm bảo theo đúng quy định quốc tế và công tác quản lý Nhà nước về quản lý rừng cũng được nâng cao.
Điều đặc biệt là sản phẩm gỗ từ rừng có chứng chỉ FSC có giá trị cao hơn rừng không có chứng chỉ từ 15 - 20%, thậm chí có khu rừng sản xuất tốt còn tăng lên 30%. Đây chính là yếu tố quan trọng để gắn kết người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng, ông Khoa chia sẻ.
Trước nhu cầu thị trường và hiệu quả kinh tế mang lại, Tuyên Quang đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi, kết nối người trồng rừng với doanh nghiệp để từ đó doanh nghiệp hỗ trợ người nông dân và giúp họ phát triển trồng rừng gỗ lớn. Nhờ đó, đến nay tỉnh đã quy hoạch được 6 vùng nguyên liệu cho 6 doanh nghiệp lớn tham gia liên kết sản xuất.
Quảng Trị là địa phương đứng đầu cả nước với hơn 25.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết, muốn xây dựng chứng chỉ FSC thì chủ rừng phải thực sự nỗ lực, chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ một phần và cộng đồng người dân địa bàn đó phải đồng hành, cam kết, liên kết với nhau trong các hoạt động quản lý, bảo vệ, vận chuyển vàchế biến lâm sản.
“Muốn giữ được rừng, cách hiệu quả nhất là để người dân thấy được họ hưởng lợi từ rừng, có việc làm, thu nhập tốt từ bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng… Các bên liên quan phải được chia sẻ quyền lợi”, ông Hà Sỹ Đồng nói.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA), có một cách hỗ trợ hiệu quả cho nông dân hướng đến sản xuất có chứng chỉ là người tiêu dùng phải hướng đến sử dụng các sản phẩm gỗ hợp pháp. Nếu chúng ta đẩy mạnh việc sử dụng gỗ hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng sẽ thúc đẩy sản xuất từ phía nông dân – đối tượng trực tiếp làm ra các sản phẩm gỗ hợp pháp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục