"Cơ hội vàng” để doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Tp. Hồ Chí Minh

21:10' - 20/12/2023
BNEWS Với cơ chế, chính sách đặc thù, đây sẽ là "cơ hội vàng” để doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Tp. Hồ Chí Minh.

Ngày 20/12, tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Chính quyền tỉnh Hyogo (Nhật Bản) tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Hyogo năm 2023 với chủ đề “Kinh tế xanh - Cơ hội và hợp tác”.

 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả, chân thành, với tiềm năng và triển vọng rộng mở.

Trên nền tảng tin cậy, sự hiểu biết lẫn nhau và nhu cầu hợp tác, thế mạnh bổ sung của hai bên và sự ủng hộ của nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế song phương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Đến nay, Nhật Bản đã có trên 5.200 dự án đầu tư tại Việt Nam; kim ngạch thương mại song phương đã cán mốc hơn 40 tỷ USD vào tháng 11/2023 vừa qua.

Hợp tác kinh tế Tp. Hồ Chí Minh - Nhật Bản vẫn luôn được ghi nhận là một trong những gam màu nổi bật nhất trong bức tranh hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại thứ 5, thị trường xuất khẩu và nhà đầu tư lớn thứ 3 của Tp. Hồ Chí Minh. Tính đến tháng 11/2023, trên địa bàn thành phố có 1.657 dự án đầu tư của Nhật Bản với tổng số vốn đạt hơn 5,7 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại thành phố.

Tp. Hồ Chí Minh đánh giá cao quan hệ hợp tác cùng phát triển với các địa phương từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là sợi dây gắn kết với 7 địa phương Nhật Bản đã có nhiều đóng góp thiết thực cho đời sống kinh tế- xã hội của thành phố. Quan hệ hợp tác Tp. Hồ Chí Minh với Hyogo là một trong những quan hệ lâu đời và gắn bó nhất trong hợp tác quốc tế cấp địa phương của thành phố, với nhiều cuộc trao đổi đoàn thường xuyên và 5 kỳ diễn đàn hợp tác kinh tế được duy trì tổ chức luân phiên ở hai địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, đứng trước những thách thức về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu trên toàn thế giới, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực và trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc cụ thể hóa các giải pháp nhằm làm giảm phát thải khí nhà kính, cam kết đưa phát thải ròng về 0% vào năm 2050. Không nằm ngoài dòng chảy đó, Tp. Hồ Chí Minh luôn tích cực đẩy mạnh các chương trình, hoạt động nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng môi trường, đặc biệt là khung chiến lược phát triển xanh với trụ cột là hành vi xanh.

Tỉnh Hyogo là một trong những địa phương có công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm phong phú trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Nhật Bản. Trong khi đó, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất Việt Nam, cũng được đánh giá là nơi tốt nhất để thử nghiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số và tính năng động của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh thêm: Tp. Hồ Chí Minh mong muốn hợp tác với các đối tác có giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh.

Cùng với đó, việc triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh, thành phố có điều kiện thuận lợi để thực hiện cam kết với nhà đầu tư nước ngoài và hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực cho chiến lược về tăng trưởng xanh. 

Đây là “cơ hội vàng” để doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư, cùng Tp. Hồ Chí Minh tìm kiếm các mô hình, dự án hợp tác cùng có lợi vì mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Saito Motohiko, Thống đốc tỉnh Hyogo cho rằng, quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản là nền tảng quan trọng kết nối Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Hyogo những năm qua. Các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, tỉnh Hyogo nói riêng có kỳ vọng rất lớn về tiềm năng tăng trưởng và nền kinh tế xanh của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam với lợi thế về nguồn lao động trẻ dồi dào, vị trí chiến lược đang đóng vai trò trung tâm của động cơ tăng trưởng ở khu vực châu Á. Sau đại dịch COVID -19 kinh tế Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng trên 5%/năm. Cả khu vực công và tư nhân tại Việt Nam đều đang hợp tác cùng nhau để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Trong khi đó, Hyogo cũng có nhiều công ty hoạt động phát triển công nghệ tiên tiến hướng tới mục tiêu tương tự. Vì vậy, hai bên có nhiều cơ hội trao đổi thông tin, hợp tác phát triển kinh tế; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các lĩnh vực mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng xanh, chuyển đổi kỹ thuật số, tài chính xanh, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thế hệ mới.

Ông Trần Văn Bích, Trưởng phòng nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Xuyên suốt quá trình phát triển Thành phố, phát triển kinh tế xanh được thể hiện ngày càng rõ nét thông qua các dự án cải tạo môi trường sinh thái, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phát triển chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, bao gồm phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cao cấp, sản xuất thông minh, tiêu dùng thông minh.

Những ưu tiên của Tp. Hồ Chí Minh thời gian tới là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh; tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy các ngành xanh, giảm phát thải khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai. Các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, doanh nghiệp tỉnh Hyogo với kinh nghiệm, thế mạnh của mình có thể tham gia đầu tư tích cực vào các lĩnh vực trên để mở rộng hoạt động một cách hiệu quả,

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp tỉnh Hyogo đang hoạt động tại Tp. Hồ Chí Minh như Aeon, Bando, Kawasaki…cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo dựng xu hướng tiêu dùng xanh, có trách nhiệm; đồng thời, mong muốn mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác Việt Nam hướng tới mục tiêu chung về kinh tế xanh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục