Cổ phiếu dầu khí “tỏa sáng” trong phiên thị trường giảm điểm

17:06' - 14/03/2024
BNEWS Trong khi hầu hết các nhóm ngành diễn biến không mấy tích cực, thậm chí giảm sâu thì nhóm dầu khí tăng mạnh và không có mã nào giảm giá.

Theo đó, PVB tăng 7,8%, PVD tăng 4,94%, PTV tăng 4,76%, POS tăng 3,94%. Các mã như BSR, GAS, PVS, PVC, OIL đều tăng từ 2% trở lên.

Đà tăng của cổ phiếu dầu khí được thúc đẩy bưởi giá dầu đi lên. Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 2,6% lên 84,03 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 6/11. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 2,8% lên 79,72 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo các công ty năng lượng đã bất ngờ rút 1,5 triệu thùng dầu thô ra khỏi kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 8/3.

Chuyên gia Andrew Lipow, chủ tịch của công ty dầu khí Lipow Oil Associates ở Houston cho biết, năng lực lọc dầu của Nga bị hạn chế do căng thẳng từ cuộc xung đột tại Ukraine gia tăng có thể khiến Nga xuất khẩu nhiên liệu diesel ít hơn, và có khả năng nước này bắt đầu nhập khẩu xăng.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày vào năm 2025 cũng như nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Các nhà phân tích vẫn tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu hạ lãi suất vào mùa Hè này, mặc dù giá tiêu dùng của Mỹ tăng ổn định trong tháng 2/2024 do chi phí xăng dầu và nhà ở tăng.

Trở lại diễn biến thị trường, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều diễn biến kém tích cực; trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm sâu là nguyên nhân chính khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm trong phiên chiều nay 14/2.

Theo đó, đa số các cổ phiếu ngân hàng đều giảm trên 1% như VCB, CTG, VPB, TCB, BID, MBB, ACB, STB, VIB, LPB, TPB, EIB, OCB, MSB. Đáng chú ý là không có mã cổ phiếu ngân hàng nào niêm yết trên HOSE tăng giá.

Cổ phiếu chứng khoán diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Trong khi SSI giảm 0,26%, HCM giảm 1,38%, FTS giảm 2,07%, BSI giảm 2,28%, CTS giảm 1,29% thì VCI tăng 1,16%, VIX tăng 3,48%, VDS tăng 1,38%, ORS tăng 2,23%, APG tăng 2,38%.

Tương tự, sắc xanh và đỏ cũng đan xen trong nhóm cổ phiếu bất động sản.  Ở chiều tăng có VIC tăng 2,11%, KBC tăng 3,19%, DIG tăng 1,85%, HDG tăng 2,05%, CTD tăng 1,72%, IJC tăng kịch trần. Ở chiều giảm giá, các cổ phiếu ghi nhận sắc đỏ đa phần chỉ giảm nhẹ.

Cổ phiếu bán lẻ  đua nhau giảm giá với MWG giảm tới 2,68%, FRT giảm 2,53%, PNJ giảm 0,59%, trong khi  DGW chỉ tăng nhẹ 0,3%.

Chốt phiên giao dịch ngày 14/3, VN-Index giảm 6,25 điểm xuống 1.264,26 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng gần 28.000 tỷ đồng. Toàn sàn có 193 mã tăng giá, 292 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 1,48 điểm lên 239,68 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 167,7 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 3.554 tỷ đồng. Toàn sàn có 100 mã tăng giá, 82 mã giảm giá và 64 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,09 điểm lên 91,62 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 49,5 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 594 tỷ đồng. Toàn sàn có 184 mã tăng giá, 107 mã giảm giá và 89 mã đứng giá.

Về tin vĩ mô đáng chú ý, thông tin mới đây từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại 0,05% so với tháng 1 (0,6%).

Ngân hàng Nhà nước cho biết, mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục