Cổ phiếu khí đốt tăng trưởng nhờ đâu?

18:28' - 08/10/2021
BNEWS Khí đốt là một trong những mã ngành hàng hoá đang tăng nóng trên thị trường, song theo các chuyên gia, đây có thể là sóng trong ngắn hạn, không có nhiều động lực tăng trong dài hạn.

Thực tế, mã cổ phiếu ngành khí đã có giai đoạn tăng mạnh từ tháng 9 đến nay như GAS tăng hơn 26%, PGS của Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam tăng hơn 52%, PGC của Tổng Công ty Gas Petrolimex – CTCP tăng hơn 51%… 

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 8/10, các mã cổ phiếu này vẫn duy trì sắc xanh; trong đó, GAS có thị giá 112.400 đồng/cổ phiếu, PGS có thị giá 31.100 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu PGC đứng giá 30.000 đồng/cổ phiếu...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc cổ phiếu nhóm ngành này liên tục tăng trong thời gian này là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố kinh tế, thị trường trong nước và thế giới.

Trên thế giới, giá khí đốt đã tăng lên mức cao kỷ lục khi nhu cầu tích trữ mùa Đông sắp tới không ngừng tăng, cùng với đó lượng khí đốt tồn kho ngày càng giảm ở châu Âu.

Riêng ở châu Á, nhu cầu khí đốt cũng tăng cao, đặc biệt từ Trung Quốc khi nước này đang áp dụng chính sách thắt chặt trong việc sử dụng than đá. Điều này dẫn tới tình trạng khan hiếm than nhiệt tại Trung Quốc nói riêng và cơn sốt năng lượng toàn cầu nói chung khi nước này là nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam đang chuyển từ “không có COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tạo kỳ vọng cho các nhà đầu tư trong việc đẩy nhanh đầu tư công, đồng thời kéo theo nhu cầu đối với nhóm hàng hoá bao gồm khí đốt tăng theo. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Bộ phận Năng lượng Dầu khí, Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect, câu chuyện để cổ phiếu nhóm ngành khí tăng trong dài hạn nhờ thông tin này là không nhiều, nói cách khác về dài hạn thì đà tăng với nhóm này chưa có cơ sở.

Ông Nguyễn Tiến Dũng lý giải, các doanh nghiệp niêm yết trong nhóm khí ở Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp phân phối khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG). Thời gian qua, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp này hưởng lợi khi hàng tồn kho nhiều trong khi giá khí đốt trên thế giới tăng mạnh. Khi đà tăng trên thế giới giảm hoặc giá khí giảm thì các doanh nghiệp sẽ giảm tỷ trọng lợi nhuận khi biên lợi nhuận phân phối thường cố định.

Về phía nhóm phân tích của SSI Research cho rằng, giá LNG trong nước không sử dụng giá khí thế giới để làm cơ sở cho giá bán. Đơn cử giá mà Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV Gas, mã chứng khoán: GAS) và các đơn vị thành viên phân phối được dựa trên công thức sử dụng giá dầu FO hoặc giá khí hoá lỏng LPG làm cơ sở.

Theo luận điểm của SSI Research, thời gian gần đây, việc giá khí thiên nhiên thế giới tăng mạnh cũng thúc đẩy giá các nhiên liệu thay thế như FO, LPG tăng mạnh. Tuy nhiên, SSI Research đánh giá mức độ hưởng lợi và mức gia tăng về lợi nhuận nếu có sẽ không mạnh mẽ như mức tăng của giá LNG.

Thực tế, PV GAS đã phải đối diện như nhu cầu cũng như mức huy động khí của khách hàng thiếu ổn định, ở mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước. Đặc biệt huy động khí cho sản xuất điện trong nửa đầu năm 2021 rất thấp, chỉ đạt khoảng 79% kế hoạch.

Về mảng khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (mã chứng khoán: PVN) thông tin, trong năm 2021, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên hoạt động khai thác và tiêu thụ khí của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một trong những nguyên nhân chính được cho là làm giảm mạnh lượng khí tiêu thụ từ việc các nhà máy điện khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ giảm nhu cầu khí cho phát điện. Đơn vị này cũng dự năm 2022 cũng chưa tăng mạnh, thậm chí kéo theo nguy cơ một số mỏ phải dừng sản xuất dài hạn hoặc hoạt động cầm chừng.

Trước đó, nửa đầu năm, dù nhu cầu tiêu thụ khí giảm, song hầu hết các đơn vị bán lẻ khí đều có kết quả kinh doanh cải thiện so với cùng kỳ nhờ giá khí cao kỷ lục trước ảnh hưởng của giá nhiên liệu thế giới.

Thời gian tới, các chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư nên cẩn trọng cũng như cân nhắc đâu là khoản đầu tư dài hạn và đâu là con sóng đầu cơ ngắn hạn; trong đó, có nhóm cổ phiếu khí đốt./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục