Cổ phiếu mía đường hút nhà đầu tư sau M&A

12:00' - 14/06/2017
BNEWS Những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), được coi là nhân tố mới dẫn dắt sự tăng giá của dòng cổ phiếu mía đường trong thời gian qua.
Nông dân thu hoạch mía. Ảnh Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Trong khi ngành mía đường Việt Nam thường bị đánh giá là thiếu sức cạnh tranh do quy mô nhỏ và chi phí sản xuất cao thì cổ phiếu mía đường đang ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), được coi là nhân tố mới dẫn dắt sự tăng giá của dòng cổ phiếu này.

Phân hóa mạnh

Theo ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, từ đầu năm tới nay câu chuyện của mía đường là câu chuyện của sự phân hóa.

Câu chuyện nổi trội nhất là thương vụ sáp nhập của Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (mã chứng khoán SBT) và Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (mã chứng khoán BHS) để tạo nên một công ty đường lớn nhất Việt Nam với thị phần trên 30%. Điều này đã giúp cổ phiếu BHS có mức tăng giá gần 100% so với đầu năm và cổ phiếu SBT cũng tăng 30%.

Một câu chuyện khác là tình hình kinh doanh nổi bật của một công ty đường nhỏ là Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) đã khiến cổ phiếu của công ty này tăng 110%.

Cùng quan điểm trên, ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, trong khi giá một số cổ phiếu cùng ngành có xu hướng đi ngang điển hình như cổ phiếu LSS của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn và KTS của Công ty cổ phần Đường Kon Tum thì một số cổ phiếu khác như SBT lại tăng giá khoảng 39,8%, thậm chí tăng rất mạnh như SLS khi tăng hơn 2 lần và có thời điểm đã lên tới trên 200.000 đồng/cổ phiếu, BHS cũng tăng trưởng hơn 2 lần.

Xét về các yếu tố cơ bản, ngoại trừ BHS, các doanh nghiệp còn lại trong ngành đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I với lợi nhuận có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, ông Hiển cho biết.

Đặc biệt là các trường hợp của SBT và SLS khi lợi nhuận tăng lần lượt tới 80% và 95% so với cùng kỳ và đây cũng là nhân tố giúp cho cổ phiếu của những công ty này có sự tăng giá mạnh như đã nêu trên.

Sáp nhập sẽ là xu thế?

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường từ đầu vụ tới nay luôn giữ ở mức cao và hiện nay đang có xu hướng giảm nhẹ. Đối với đường tinh luyện có giá từ 16.200 đến 17.800 đồng/kg, đường trắng có giá từ 15.000 đến 17.300 đồng/kg, đường vàng có giá từ 14.000 đến 17.300 đồng/kg.

Trong khi đó, đường nhập lậu từ Thái Lan ở các cửa khẩu có giá từ 14.000 đến 16.600 đồng/kg và ở Tp. Hồ Chí Minh là 14.600 đến 16.900 đồng/kg, luôn thấp hơn đường tinh luyện trong nước từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Điều này đã làm cho đường trong nước kém cạnh tranh, tiêu thụ chậm, kích thích đường lậu hoạt động mạnh và rộng khắp hơn.

Cũng theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lũy kế đến 19/5/2017, cả nước ép được hơn 12,2 triệu tấn mía, sản xuất được trên 1,1 triệu tấn đường, cộng với lượng đường luyện từ đường thô nhập khẩu thì tổng lượng đường sản xuất được là trên 1,3 triệu tấn. Lượng đường tồn kho tới 19/5 cũng lên tới 748.224 tấn, cao nhất trong 2 năm gần đây.

Ông Nguyễn Việt Đức cho rằng, ngành mía đường Việt Nam từ xưa tới nay vẫn bị đánh giá là thiếu sức cạnh tranh, đặc biệt khi Việt Nam nằm ngay cạnh một cường quốc về đường là Thái Lan.

Bên cạnh quy mô sản xuất nhỏ, chi phí sản xuất mía đường của các doanh nghiệp Việt Nam còn cao (giá mía nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam mua từ các hộ nông dân cao gấp rưỡi giá mía tại Thái Lan) trong khi trữ đường của mía kém hơn khiến cho giá đường của Việt Nam trung bình cao hơn 30% so với Thái Lan.

“Các doanh nghiệp sản xuất đường Việt Nam do đó gần như không thể cạnh tranh sòng phẳng với đường nhập khẩu”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, Chính phủ đã phải áp thuế cũng như hạn ngạch đối với đường nhập khẩu để qua đó giúp các công ty trong nước có thời gian mở rộng quy mô, thay đổi phương thức sản xuất.

Trong năm 2016, giá đường thế giới phục hồi khá mạnh, giá đường theo các hợp đồng tương lai đã tăng từ mức chỉ hơn 10 USD/pound (1 pound=0,454kg) vào tháng 8/2015 lên mức 22,92 USD/pound vào tháng 10/2016.

Điều này đã giúp giá cổ phiếu ngành mía đường tăng mạnh trong năm 2016. Tuy vậy, trong năm 2017 thì giá đường đã có sự điều chỉnh trở lại và do đó phần lớn cổ phiếu mía đường không thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư nếu không có những câu chuyện riêng như M&A.

Ông Đức cho rằng quá trình M&A của ngành đường mới ở chặng bắt đầu và sức cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn còn khá yếu.

“Mặt hàng đường và gạo là hai mặt hàng đặc biệt mà các quốc gia có quyền bảo hộ. Do đó, có lẽ những biện pháp bảo hộ trong nước đối với ngành đường sẽ cần tiếp tục được cân nhắc”, ông Đức cho biết.

Ngoài ra, những chính sách ưu đãi về lãi suất lâu dài đối với nông nghiệp, việc sử dụng tài sản là đất nông nghiệp để đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng cũng là điều các doanh nghiệp ngành đường mong muốn được tiếp cận để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Phó Trưởng phòng phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) Ngô Thế Hiển cho rằng, bên cạnh yếu tố tác động cơ bản thì trong sự chuyển biến tích cực của cổ phiếu mía đường còn phải kể đến việc các công ty trong ngành đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ.

Điển hình là trường hợp của BHS và SBT khi 2 công ty này đã thống nhất sáp nhập để hình thành công ty có quy mô lớn nhất trong ngành mía đường với tổng công suất 27.700 TMN (tấn mía ngày), tổng doanh thu hàng năm lên tới trên 8.000 tỷ đồng.

Ngoài ra SBT và BHS cùng quyết định đầu tư 1.330 tỷ đồng để mua lại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mía đường Hoàng Anh Attapeu với mục tiêu nâng thêm công suất và mở rộng vùng nguyên liệu tại Lào.

Chính những yếu tố nói trên và tỷ lệ sáp nhập 1 cổ phiếu BHS lấy 1,02 cổ phiếu SBT trong khi thị giá của hai cổ phiếu quá chênh lệch nhau nên đã giúp cho 2 mã cổ phiếu này đều có quá trình tăng giá mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Việt Đức, ngành đường hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, và trong bối cảnh đó, chỉ những công ty hàng đầu mới có nguồn lực tài chính, trình độ và kinh nghiệm để có những giải pháp đột phá.

Ông Đức cho rằng, bên cạnh xu hướng M&A, chính sách mở rộng hạn điền, việc nâng cao chất lượng giống và kỹ thuật canh tác, các công ty thuộc ngành đường đã đưa ra giải pháp về xây dựng chuỗi phân phối sản phẩm để đưa đường tới tận tay người tiêu dùng, giảm bớt chi phí của các bước trung gian, đưa công ty không đơn thuần là một công ty nông nghiệp mà là một công ty nông nghiệp - hàng tiêu dùng.

“Những công ty có những hướng đi đúng đắn đó thì vẫn có thể tồn tại và đem lại hiệu suất đầu tư tốt cho nhà đầu tư”, ông Đức nói.

Theo ông Ngô Thế Hiển , mặc dù lượng đường tồn trong thời gian tới dự báo sẽ giảm do vụ thu hoạch mía kết thúc và nhu cầu trong nước tăng lên khi bước vào mùa hè, nhưng giá bán đường trong nước có thể sẽ giảm và qua đó tác động tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành trong quý II.

Ông Hiển cho rằng, đối với những nhà đầu tư quan tâm tới nhóm cổ phiếu mía đường, trong thời gian tới cần lưu ý tới biến động giá đường thế giới và kết quả kinh doanh trong quý II của các công ty.

Ngoài ra một số cổ phiếu hiện cũng có các chỉ số định giá tương đối cao và giá đã tăng khá mạnh trong thời gian ngắn do vậy cần theo dõi sát diễn biến giá và biến động thị trường chung để có quyết định chính xác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục