Cổ phiếu ngân hàng chờ nhịp bùng nổ

16:03' - 26/11/2021
BNEWS Theo nhận định của giới đầu tư, quá trình kéo ngân hàng luôn hút rất nhiều tiền nên các nhịp đan xen nghỉ ngơi cho nhóm này xuất hiện không có gì là tiêu cực.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 26/11, thị trường chứng khoán ghi nhận sắc đỏ bao trùm nhóm mã ngành ngân hàng; trong đó, chỉ có 5 mã tăng, 1 giá tham chiếu, còn lại các mã giảm.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới đầu tư, lực kéo ngân hàng luôn hút rất nhiều tiền nên các nhịp đan xen nghỉ ngơi cho nhóm này xuất hiện không có gì là tiêu cực. 

Không những vậy, giới đầu tư đang chờ đợi nhịp bùng nổ tiếp theo dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi đang hỗ trợ nhóm ngành này. Đáng chú ý là thông tin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) quý IV cho các ngân hàng thương mại.

Trong số đó, room tín dụng của một số ngân hàng cổ phần như VIB nâng lên 20%; MSB 25%; TPB 25%; TCB 25%; VPB 17,1%... Tiếp đó, LPB được nâng room 20%; HDB là 20%; OCB 20%. Riêng nhóm ngân hàng có vốn hoá nhà nước như CTG nâng lên 11,5%; VCB 14% và BID là 11,5%.

“Việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị nới room tín dụng cho một số ngân hàng có thể giúp ngân hàng tận dụng cơ hội kinh doanh trong thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán sắp đến khi nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao”, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu vĩ mô Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS).

Trong báo cáo ngành ngân hàng do Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam(BSC) mới công bố, đơn vị này kỳ vọng, việc điều chỉnh room tín dụng giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều tổ chức tín dụng đã chạm "trần tín dụng" từ đầu năm đến nay.

Theo quan sát của BSC, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 với quy mô rộng làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021 và việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được.

Thực tế, ngay khi VN-Index có đỉnh lịch sử mới trên 1.500 điểm trong phiên giao dịch trước, nhóm ngân hàng cũng có sự phân hoá, với hàng loạt mã giảm giá như: VIB, VBB, TCB, TPB, NVB… trong khi đó cũng có những mã tăng tích cực như: VCB, VPB, VAB, STB, SSB…

Có thể thấy, sóng cổ phiếu ngân hàng trở lại do kết quả kinh doanh tích cực trong quý III của một số ngân hàng và một số ngân hàng có thể được nới room tín dụng trong thời gian tới. Các chỉ số trên thị trường cũng chỉ ra rằng, dòng tiền trên thị trường có xu hướng rút ra khỏi nhóm vốn hoá vừa và nhỏ để chảy về với những cổ phiếu có vốn hoá lớn. Ngoài ra, các nhà đầu tư gần đây đang thể hiện sự quan tâm đến nhóm “cổ phiếu vua” nhiều hơn. 

Nhìn ở góc độ khác, các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng,thị trường đang đi lên bền vững, dòng tiền có sự lan tỏa và xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.../.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục