Có thể chữa khỏi ung thư dạ dày nếu phát hiện sớm

19:51' - 24/09/2022
BNEWS Ngày 24/9, đã có hơn 100 người dân đến Bệnh viện Việt Đức để tham gia chương trình khám, tư vấn, siêu âm miễn phí tầm soát bệnh lý ung thư dạ dày.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết, ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm và đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc, tử vong trong số các loại ung thư tiêu hóa ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, dù được xếp vào "tứ chứng nan y" nhưng ung thư dạ dày là bệnh có thể chữa khỏi được. Các con số về mặt khoa học cho thấy tỷ lệ sống 5 năm sau mổ ở ung thư dạ dày có thể lên tới 90%.

 

"Các bệnh nhân tôi mổ sau 5 năm không tái phát, không di căn, thậm chí có bệnh nhân sau 10 -15 năm vẫn còn sống khỏe mạnh, thì có thể khẳng định bệnh ung thư dạ dày có thể chữa khỏi được", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hà chia sẻ.

Mỗi năm, nước ta có khoảng hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, trước đây bác sĩ thường gặp bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, hiện nay có bệnh nhân 25 tuổi đã phải mổ ung thư dạ dày.

Chia sẻ về quan điểm thực dưỡng, gây đói tế bào ung thư để chữa bệnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hà cho biết, đây là những thông tin trên mạng xã hội. "Chúng ta cần hiểu rằng, điều trị ung thư liên quan đến sức đề kháng của cơ thể. Về nguyên tắc chung của y học, tất cả các bệnh cơ thể mắc muốn chữa được bệnh thì sức đề kháng, hệ thống miễn dịch của cơ thể phải tốt thì mới tham gia một phần để chống chọi bệnh được. Chúng tôi cũng đã thực hiện nguyên lý "gây đói" cho khối u bằng cách gút mạch để khối u không được cấp máu nuôi nữa. Tuy nhiên việc "gây đói" khối u bằng cách nhịn ăn để toàn bộ cơ thể bị đói là không đúng...".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hà, ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm không có biểu hiện gì đáng kể, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ vùng thượng vị, kèm ợ hơi, ợ chua, các triệu chứng này thường mọi người không quan tâm đến.

Ở giai đoạn tiến triển, biểu hiện của ung thư dạ dày rầm rộ hơn: Đau bụng thượng vị, đầy bụng, ăn uống kém, chán ăn, gầy sút cân. Giai đoạn muộn: Người bệnh suy kiệt, nôn nhiều (hẹp môn vị), nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen (xuất huyết tiêu hóa), viêm phúc mạc do thủng dạ dày…

Chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức lưu ý, có nhiều người bị các bệnh lý về dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày thường kể dấu hiệu của bệnh không rõ ràng, rất mơ hồ. Đó là cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ăn nhanh no, cảm giác luôn no, chán ăn, ợ nóng... Đây chính là những dấu hiệu chỉ điểm để có thể phát hiện bệnh sớm. Nhiều người đến bệnh viện khi xuất hiện tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen... Lúc này có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hà cho biết: Điều trị ung thư dạ dày là điều trị đa mô thức, trong đó phẫu thuật đóng vai trò chủ đạo. Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh cũng như thể trạng của bệnh nhân. Nắm được các dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày và tầm soát sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm, từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục