Cơn ác mộng mang tên “Diamond Princess” của Nhật Bản sắp đến hồi kết

11:59' - 19/02/2020
BNEWS Với Chính phủ Nhật Bản, cho dù cơn ác mộng mang tên Diamond Princess sắp kết thúc nhưng những hậu quả của nó sẽ tiếp tục đeo bám ít ra trong nhiều tuần nữa.
Du thuyền Diamond Princess neo tại cảng ở Yokohama, Nhật Bản, ngày 16/2/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Ngày 19/2, giới chức Nhật Bản đã cho phép những nhóm hành khách đầu tiên trên du thuyền Diamond Princess rời tàu để lên bờ.

Đây là những hành khách có xét nghiệm âm tính với chủng virus Corona mới hoặc không có triệu chứng nhiễm bệnh.

Đối với họ, những trải nghiệm đầy căng thẳng và mệt mỏi trên chiếc du thuyền hạng sang sắp kết thúc.

Còn đối với Chính phủ Nhật Bản, cho dù cơn ác mộng mang tên Diamond Princess sắp kết thúc nhưng những hậu quả của nó sẽ tiếp tục đeo bám họ, ít ra trong nhiều tuần nữa.

 *Ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc

Du thuyền Diamond Princess chở theo khoảng 3.700 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn rời cảng Yokohama để bắt đầu chuyến du hành trên biển hôm 20/1.

Con tàu này dừng chân ở tỉnh Kagoshima, phía Nam Nhật Bản, trước khi tới Hong Kong (Trung Quốc). Sau đó, nó tiếp tục hành trình tới một số nước trước khi quay về Đài Loan (Trung Quốc) và đảo Okinawa (Nhật Bản).

Diamond Princess cập cảng Yokohama ở tỉnh Kanagawa, giáp thủ đô Tokyo, hôm 3/2 và bị cách ly sau khi có tin một hành khách đã được chẩn đoán dương tính với chủng virus Corona mới (nCoV) sau khi xuống tàu ở Hong Kong hôm 25/1.

Kể từ khi bị cách ly, số ca nhiễm COVID-19 trên du thuyền Diamond Princess liên tục tăng. Tính đến ngày 16/2, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã xác nhận có 355 người trên du thuyền này bị nhiễm nCoV. Điều này khiến cho con tàu này trở thành ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.

Đáng chú ý, vào thời điểm đó, Nhật Bản mới tiến hành xét nghiệm được cho 1.219 người trên du thuyền này, có nghĩa cứ có 3 người được xét nghiệm thì có 1 người dương tính nCoV. Đây là một tỷ lệ rất cao nếu so với các ổ dịch COVID-19 khác trên thế giới.

Điều khiến giới chức Nhật Bản đau đầu là nếu họ không có các biện pháp khẩn cấp và phù hợp để xử lý ổ dịch này, có khả năng nCoV sẽ lây lan ra toàn bộ du thuyền, đồng thời gây ra những rắc rối về mặt ngoại giao khi các hành khách trên tàu đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cùng với đó, giới chức Nhật Bản không khỏi lo ngại khi một số quan chức kiểm dịch và nhân viên y tế của nước này đã bị nhiễm nCoV khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và kiểm tra y tế cho các hành khách và thủy thủ trên du thuyền Diamond Princess.

 *Cơn ác mộng sắp qua

Hành khách (trái) rời khỏi du thuyền Diamond Princess tại cảng Daikoku, Yokohama, Nhật Bản, ngày 19/2/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Mặc dù giới chức Nhật Bản biết rằng nCoV đã lây lan trên du thuyền trước khi nó đi vào vịnh Yokohama nhưng Tokyo gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý ổ dịch này.

Rào cản chính đối với Nhật Bản đó là "nguyên tắc mang cờ" (flag state principle) trong luật hàng hải và hàng không quốc tế.

Theo đó, tàu thủy và tàu bay đăng ký tại quốc gia nào sẽ mang cờ và có quốc tịch của quốc gia đó. Quốc gia cấp phép đăng ký có quyền tài phán đối với các tàu thủy hoặc tàu bay đó khi các phương tiện này đang ở vùng biển khơi.

Trong trường hợp của Diamond Princess, con tàu này treo cờ Anh và do vậy, luật pháp của Anh sẽ được áp dụng đối với du thuyền này.

Vì thế, về mặt luật pháp, Chính phủ Nhật Bản không thể đưa ra bất cứ chỉ thị nào cho Diamond Princess cho đến khi nó đi vào lãnh hải của nước này.

Ngày 3/2, du thuyền Diamond Princess cập cảng Yokohama. Hai ngày sau đó, MHLW đã quyết định yêu cầu tất cả hành khách trên con tàu này phải ở trong cabin trong vòng 14 ngày sau khi phát hiện 10 người trên tàu dương tính với nCoV.

Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn bị cách ly ở trên du thuyền này.

Lý giải về quyết định trên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói việc yêu cầu các hành khách và thủy thủ đoàn ở nguyên trên tàu cho đến khi thời hạn cách ly kết thúc là phù hợp. Đây là quan điểm nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, việc bị cách ly trong một môi trường khép kín và hạn hẹp chính là nguyên nhân khiến số ca nhiễm nCoV trên du thuyền này đã liên tục tăng trong vòng 2 tuần qua.

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng rất khó thực thi các biện pháp phòng tránh và khống chế lây lan trên tàu do có một số yếu tố khó kiểm soát.

Tính đến ngày 17/2, Nhật Bản đã phát hiện 542 trường hợp nhiễm nCoV trên du thuyền này, trong đó có 88 trường hợp được phát hiện trong ngày 17/2.

Trong bối cảnh nCoV lây lan mạnh trên du thuyền Diamond Princess, giới chức Nhật Bản đã cho phép khoảng 50 người có nguy cơ nhiễm nCoV cao như có độ tuổi trên 80 hoặc có tiền sử mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường rời tàu cùng với thân nhân của họ.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đã quyết định thuê máy bay để đón các công dân nước này đang bị mắc kẹt trên du thuyền về nước.

Sáng 17/2, hai chiếc máy bay chở theo 328 công dân Mỹ đã rời sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo. Các du khách này đã được kiểm tra y tế để đảm bảo không nhiễm nCoV trước khi rời cảng Yokohama vào khoảng 1 giờ 40 phút sáng 17/2 trên 10 chiếc xe buýt đặc chủng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF).

Sau khi trở về Mỹ, những người này sẽ bị cách ly trong 14 ngày tại căn cứ không quân Travis ở bang California và căn cứ Joint Base San Antonio-Lackland ở Texas. Mặc dù vậy, họ vẫn còn may mắn hơn so với hàng chục đồng hương khác đã phải nhập viện ở Nhật Bản vì nhiễm nCoV.

Ngày 19/2, khi thời hạn cách ly đã hết, giới chức Nhật Bản bắt đầu cho phép các hành khách trên du thuyền Diamond Princess di chuyển lên bờ.

Những người có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV hoặc chưa có bất cứ triệu chứng nhiễm bệnh có thể quay lại cuộc sống bình thường nhưng họ phải giữ liên lạc điện thoại với giới chức Nhật Bản trong một vài ngày để thông báo về tình trạng sức khỏe, trong khi những người có kết quả dương tính với virus nguy hiểm này sẽ bị buộc phải nhập viện.

Riêng đối với những người sống ở cùng cabin hoặc có tiếp xúc gần với những trường hợp nhiễm nCoV, họ sẽ bị cách ly ở trên tàu thêm một thời gian nữa. Đối với thủy thủ đoàn, công ty điều hành du thuyền Diamond Princess sẽ quyết định khi nào những thủy thủ không bị nhiễm nCoV có thể rời tàu.

*Những hậu quả kéo dài

Như vậy, cơn ác mộng mang tên Diamond Princess đã sắp kết thúc nhưng những hậu quả mà nó để lại cho "đất nước Mặt Trời mọc" chắc chắn sẽ còn kéo dài.

Đó là hơn 500 bệnh nhân COVID-19 vẫn đang được chữa trị ở các cơ sở y tế của nước này, gần chục nhân viên y tế, quan chức kiểm dịch bị nhiễm nCoV trong quá trình thực thi nhiệm vụ và hàng trăm người khác đang bị cách ly sau khi tiếp xúc với du khách trên du thuyền này khi nó cập cảng Naha ở tỉnh Okinawa.

Nguy cơ lây lan từ những hành khách có thể đã nhiễm nCoV cho dù chưa có bất cứ triệu chứng nào vẫn còn.

Chưa kể đến những tổn hại không gì đong đếm được về mặt hình ảnh của một điểm đến thân thiện và an toàn cho du khách nước ngoài và về uy tín của Chính phủ Nhật Bản khi xử lý ổ dịch này.

Ngoài ra, những "sứt mẻ" trong quan hệ ngoại giao của Nhật Bản với một số nước có công dân mắc kẹt trên du thuyền này cũng cần được giải quyết.

Để tránh gặp lại những "cơn ác mộng" tương tự, Nhật Bản đã từ chối cho phép nhiều du thuyền cập cảng nước này, trong đó có du thuyền MS Westerdam.

Quyết định này có thể gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế Nhật Bản nói chung. Tuy nhiên, Tokyo hiểu rằng "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Những thiệt hại về kinh tế đó có thể sẽ rất lớn nhưng không nghiêm trọng như những gì mà "cơn ác mộng Diamond Princess" đã gây ra cho nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục