Con đường tơ lụa kỹ thuật số: Lợi ích tiềm năng của kinh tế Malaysia

05:30' - 02/04/2022
BNEWS Hành trình kỹ thuật số của Malaysia bắt đầu vào năm 1996 thông qua sự ra đời của Siêu hành lang đa phương tiện (MSC) được thành lập để đẩy nhanh tốc độ phát triển của kinh tế kỹ thuật số quốc gia.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19 kể từ năm 2020, các công ty đã buộc phải số hóa hoạt động kinh doanh để duy trì hoạt động. Song song với việc nhiều doanh nghiệp không thể tồn tại là sự phát triển nhanh chóng của kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt là thông qua cách các công ty thích ứng và thay đổi mô hình kinh doanh để tiếp tục duy trì hoạt động.
 

Theo Báo cáo Kinh tế kỹ thuật số năm 2019 của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), kinh tế kỹ thuật số có thể được chia thành ba thành phần chính. Một là các khía cạnh cốt lõi bao gồm những đổi mới cơ bản và tạo điều kiện cho cơ sở hạ tầng.

Hai là phạm vi hẹp của nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm các lĩnh vực kỹ thuật số và công nghệ thông tin sản xuất các sản phẩm và dịch vụ quan trọng dựa trên các công nghệ kỹ thuật số cốt lõi. Ba là phạm vi rộng lớn của kinh tế số hóa, nơi các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số được sử dụng nhiều nhất.

Thông qua phạm vi rộng lớn này của kinh tế số hóa, đã xuất hiện hàng loạt hình thức kinh doanh điện tử, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ và kinh tế biểu diễn.
 

Hành trình kỹ thuật số của Malaysia bắt đầu vào năm 1996 thông qua sự ra đời của Siêu hành lang đa phương tiện (MSC) vốn được thành lập để đẩy nhanh tốc độ phát triển của kinh tế kỹ thuật số quốc gia.

Tháng 1/2022, Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia Tan Sri Annuar Musa tuyên bố MSC sẽ được cải tiến và đổi tên thành Malaysia Digital. Điều này phù hợp với nhu cầu phát triển theo sau sự thay đổi nhanh chóng và những tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số. 

Thông qua Cơ quan Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC), Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục hoạch định con đường phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số bằng cách đảm bảo Malaysia sẽ thực hiện Bước nhảy vọt kỹ thuật số trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư để đưa nước này trở thành trung tâm kỹ thuật số của ASEAN.
 
Những năm qua, Malaysia đã chứng kiến sự phát triển nhanh của kinh tế kỹ thuật số. Theo báo cáo của Cục Thống kê Malaysia, kinh tế kỹ thuật số đã đóng góp 22,6% vào nền kinh tế quốc gia năm 2020, tăng 3,4% so với năm 2019. Trong đó, 14,2% đến từ tổng giá trị gia tăng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), trong khi 8,4% đến từ thương mại điện tử của các ngành nghề khác. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn trong phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của Malaysia.
 
Tầm quan trọng của kinh tế kỹ thuật số Malaysia cũng được thể hiện rõ thông qua các kế hoạch và chính sách của chính phủ, bao gồm Kế hoạch Malaysia lần thứ 12, Kế hoạch tổng thể về kinh tế kỹ thuật số Malaysia và Chính sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
Trong Kế hoạch chi tiết về kinh tế kỹ thuật số của Malaysia, kinh tế kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ mang lại các cơ hội cho xã hội, doanh nghiệp và chính phủ. Cơ hội việc làm lớn hơn đối với các hợp đồng chuyển đổi và công nhân kỹ thuật số có tay nghề cao được cho là sẽ có tác động tích cực đến xã hội.
 
Thông qua sự phát triển của kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ có những mô hình kinh doanh mới và sáng tạo đi đôi với những sản phẩm và dịch vụ mới.

Thông qua thương mại điện tử, phạm vi tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp sẽ không còn bị giới hạn trong thị trường nội địa, mà sẽ được mở rộng hơn nữa ra thị trường quốc tế. Cuối cùng, thông qua tự động hóa, chính phủ có cơ hội cải thiện việc cung cấp dịch vụ công bằng cách gia tăng tính hiệu quả.
 
Theo Báo cáo Kinh tế Kỹ thuật số của UNCTAD năm 2021, Trung Quốc và Mỹ là những nước đi đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số, chiếm khoảng 90% giá trị vốn hóa thị trường của các nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, 94% tổng số tiền tài trợ cho các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) đều đến từ Trung Quốc và Mỹ, cũng như có mức sử dụng 5G cao nhất trên thế giới. Hơn nữa, hai quốc gia này có 50% trung tâm dữ liệu siêu cấp trên thế giới.
 
Tại Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 130 (Canton Fair) năm 2021, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob cho rằng kinh tế kỹ thuật số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và áp dụng phát triển bền vững là những “lĩnh vực có tiềm năng kinh tế chưa được khai thác” trong thương mại song phương giữa Malaysia và Trung Quốc. Điều này chỉ ra rằng có nhiều cơ hội cho Malaysia và Trung Quốc hợp tác và thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số.
 
Trong Cuộc họp Ủy ban Cấp cao Trung Quốc-Malaysia lần thứ nhất vào tháng 12/2021, Malaysia cũng bày tỏ mong muốn tham gia Sáng kiến Phát triển Toàn cầu. Hai nước sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số và phát triển xanh để nắm bắt cơ hội phát triển trong thời kỳ hậu đại dịch.
 
Thông qua đó, có thể hy vọng sẽ có những tiến bộ lớn hơn trong nền kinh tế kỹ thuật số và phát triển xanh. Trong quá trình Malaysia theo đuổi vị thế quốc gia có thu nhập cao, nền kinh tế kỹ thuật số mang đến những cơ hội mới to lớn cho nước này.
 
Sự hợp tác chặt chẽ giữa Malaysia và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực bao gồm khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất thiết bị, công nghệ thông tin và nền kinh tế kỹ thuật số cũng sẽ mở đường cho việc thúc đẩy phục hồi kinh tế và thịnh vượng lâu dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục