“Cơn khát” nguồn lao động chất lượng cao - Bài 1: Nhu cầu tăng

13:33' - 16/03/2019
BNEWS Thị trường lao động TP HCM đã, đang đặt ra những thách thức lớn về phát triển nguồn lao động đảm bảo đáp ứng các ngành tích hợp công nghệ cao phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thực hành mô phỏng hóa tại Phòng học công nghệ 4.0. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đã đưa ra chủ trương ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành đòi hỏi quy mô vốn lớn, yêu cầu trình độ công nghệ cao.

Đồng thời, Thành phố hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành thâm dụng lao động giản đơn, bởi đây không phải là lợi thế so sánh của Thành phố.

Do đó, thị trường lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang đặt ra những thách thức lớn về phát triển nguồn lao động đảm bảo đáp ứng các ngành tích hợp công nghệ cao phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bài 1: Nhu cầu tăng cao

Trên cơ sở Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố.

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường lao động Thành phố đã có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về nhân lực. Tuy nhiên, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn dự báo sẽ tăng mạnh.

* Hơn 130.000 chỗ làm việc mới

Phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2019 theo ngành nghề, trình độ nghề dựa trên chuỗi số liệu cầu lao động giai đoạn 2013 – 2018 cho thấy, dự kiến năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu 320.000 chỗ làm việc, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 79,17%, bao gồm nhân lực có trình độ Sơ cấp nghề - Công nhân kỹ thuật lành nghề 22,77%, Trung cấp chiếm 19,93%, Cao đẳng 15,80%, Đại học trở lên 20,67%.

Tương tự, theo kết quả khảo sát mới đây của VietnamWorks - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam, nhu cầu về lao động sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019, trong đó 33% doanh nghiệp có kế hoạch tăng mạnh về quy mô nhân sự.

Cụ thể, 15% doanh nghiệp được khảo sát sẽ tăng tuyển dụng lao động từ 30 – 40%; 15% doanh nghiệp tăng tuyển dụng từ 40 – 50% và 3% doanh nghiệp sẽ tăng tuyển dụng trên 50%.

Ghi nhận thực tế thị trường lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với sự phát triển, hội nhập kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, dịch vụ logistics đang có những bước phát triển vượt bậc, tiềm năng tăng trưởng rất lớn, từ đó kéo theo nhu cầu lao động đối với ngành logistics tăng mạnh, nhất là nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiếng Anh và công nghệ thông tin tốt.

Tương tự, các doanh nghiệp có hoạt động thương mại điện tử ngày càng nhiều, công nghệ ứng dụng trong thương mại điện tử thay đổi với tốc độ nhanh, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các vị trí như digital marketing (tiếp thị số), chăm sóc khách hàng, dịch vụ logistics, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ thời trang, hàng tiêu dùng và đặc biệt là dịch vụ công nghệ thông tin...

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) cho rằng, Thành phố đang trong quá trình triển khai Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, sẽ là đòn bẩy tạo cơ hội để Thành phố đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghệ cao.

Chính vì vậy, dự báo Công nghệ thông tin sẽ là một trong những ngành tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019 với các vị trí an ninh mạng, lập trình, phát triển ứng dụng, thiết kế và điều hành web…

Theo ông Trần Anh Tuấn, thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 có những chuyển biến tích cực mạnh mẽ về nhân lực, nhất là tăng mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, thị trường lao động sẽ phát triển các ngành tích hợp công nghệ cao phù hợp với công nghệ 4.0, cụ thể là các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ kỹ thuật về công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, thương mại điện tử, marketing điện tử, kiến trúc - xây dựng, du lịch, dịch vụ y tế và nông nghiệp công nghệ cao.

* Nhiều doanh nghiệp cần tuyển mới lao động

 Giờ thực tế hướng nghiệp. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tính đến hiện tại, lực lượng lao động Thành phố có hơn 4,5 triệu người (chiếm 52,09% tổng dân số), lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp hơn 3,3 triệu người, trong đó lao động nữ chiếm 47,79%.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện khảo sát 27.406 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 220.553 lượt tuyển dụng và 110.172 lượt người có nhu cầu tìm việc làm.

Theo tính toán của Falmi, lao động đang làm việc trong khu vực nhà nước chiếm 4,31%, khu vực ngoài nhà nước 74,26% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 21,42%.

Bên cạnh đó, lao động làm việc trong khu vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp chiếm 0,45%, khu vực Công nghiệp – Xây dựng chiếm 45,53%, khu vực dịch vụ chiếm 54,03%.

Cụ thể, một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển mới lớn là Công ty cổ phần Dệt may Gia Định có nhu cầu tuyển dụng hơn 1.200 lao động, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Pouchen Việt Nam tuyển 3.000 lao động; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Pro Kingtex Việt Nam tuyển 300 lao động...

Để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, Dệt May Phong Phú - Tổng Công ty cổ phần Phong Phú đã tăng dây chuyền sản xuất, nhất là tại các công ty chi nhánh trực thuộc; đồng thời cử cán bộ tuyển dụng đến các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh... nhằm tuyển dụng một lượng lớn lao động.

Theo đại diện của Tổng Công ty, hiện Phong Phú có 12 nhà máy thành viên, 15 công ty con và công ty liên kết thuộc các ngành nghề sản xuất kinh doanh khác nhau.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 15 – 20%/năm, Công ty cũng đang tập trung tuyển dụng nhiều ứng viên ở các vị trí như thiết kế các sản phẩm thời trang, trung cấp kế toán, cao đẳng hóa, tổ chức nhân sự…

Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề ở phân khúc trung và cao cấp cũng được nhiều nhà tuyển dụng quan tâm để phục vụ phát triển doanh nghiệp ngay từ đầu năm 2019.

Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng đã tuyển dụng 15% lao động mới, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô xưởng sản xuất tại khu công nghiệp An Hạ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của doanh nghiệp đạt khoảng 30%/năm.

Năm 2019, Công ty nhận được thêm nhiều đơn hàng trong nước và quốc tế nên lãnh đạo Công ty quyết định xây dựng thêm phân xưởng mới, đồng thời tuyển dụng một lượng lớn lao động để vận hành, sản xuất kinh doanh khi đưa vào hoạt động trong tháng 6/2019.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao khá lớn. Điển hình, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Mercedes Benz Việt Nam tuyển quản lý cấp cao, kế toán tổng hợp, quản lý - tài sản cố định và hàng tồn kho; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Amway Việt Nam tuyển kỹ sư quản lý dự án công nghệ thông tin; Công ty cổ phần Innochee tuyển nhiều kỹ sư sử dụng được tiếng Nhật (sử dụng tiếng Nhật để trao đổi trực tiếp về yêu cầu, kỹ thuật với các chuyên gia Nhật)...

Do có nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao nên các doanh nghiệp này sẵn sàng chi trả và đảm bảo chế độ lương, thưởng hấp dẫn từ 10 - 60 triệu đồng/người/tháng.

Đồng thời, nhằm thu hút người lao động, các doanh nghiệp này còn đưa ra nhiều chính sách như được đào tạo, học tập, du lịch hàng năm ở nước ngoài, có cơ hội thăng tiến, tăng lương 2 lần trong một năm, phụ cấp đi lại, ăn giữa trưa, làm việc trong môi trường trẻ và năng động…/.

>>>“Cơn khát” lao động chất lượng cao-Bài 2: Bài toán lớn cho doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục