“Cơn khát” lao động chất lượng cao-Bài 2: Bài toán lớn cho doanh nghiệp

13:43' - 17/03/2019
BNEWS Cùng với những cơ hội tiếp cận và ứng dụng các kiến thức mới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra bài toán lớn cho doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh của đội ngũ lao động.

Cùng với những cơ hội tiếp cận và ứng dụng các kiến thức mới về dữ liệu, quy trình, trí tuệ nhân tạo… cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra bài toán lớn cho doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh của đội ngũ lao động.

Chính vì vậy, đã đến lúc nguồn nhân lực cần được trang bị những kỹ năng, hiểu biết cơ bản về công nghệ và ứng xử giữa nhân lực với nhau trong thế giới mà công nghệ đang thay đổi quá nhanh như hiện nay.
* Bệ đỡ từ cơ chế chính sách

Người lao động, sinh viên học sinh tham gia tìm hiểu, tư vấn, phỏng vấn việc làm trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm năm 2019. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN  

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 20 sàn giao dịch, ngày hội việc làm cập nhật nhu cầu tìm việc, tuyển dụng tại các trung tâm dịch vụ việc làm, các kênh thông tin tuyển lao động của doanh nghiệp.

Trong tháng 2/2019, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 25.073 lượt lao động; số chỗ việc làm mới tạo ra là 11.968.

Lũy kế hai tháng đầu năm là 47.662 lượt lao động, đạt 15,89% so với kế hoạch năm và số chỗ việc làm mới là 22.610, đạt 17,39% so với kế hoạch năm.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), nhu cầu tuyển dụng lao động ở nhiều doanh nghiệp tăng là do mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng hiện nay thường dựa trên cơ sở cung và cầu lao động, do đó để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp cần một chính sách tốt, năng động, các chế độ phúc lợi đảm bảo, môi trường tạo không gian làm việc gắn kết, người lao động sẽ yên tâm cống hiến, gắn bó với công việc của mình.
Để đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn, các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các chính sách giúp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Thành phố phát triển theo xu hướng công nghệ cao, tích cực áp dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh, hệ thống tổ chức và quản lý, vận hành doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích phát triển đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, vừa… vì đây là khu vực tạo việc làm lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất trước những thay đổi về môi trường và các chính sách.
Mặt khác, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các hoạt động của các trường đào tạo và nhận thức tự học tập, rèn luyện, trang bị kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên – học sinh, người lao động phù hợp với thị trường lao động.

Bên cạnh đó, khuyến khích đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ, khoa học tiên tiến trong tất cả các ngành kinh tế, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp.
Trong đó, các đơn vị liên quan phải phối hợp và liên kết trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, xây dựng các kỹ năng cho người học đáp ứng nhu cầu hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội: Kỹ năng chuyên môn đáp ứng cho từng loại công việc, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ trong công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc tập thể...; tăng cường quản lý nhà nước về phát triển thị trường lao động, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực.
Bà Josephine, Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn SAP Việt Nam cho hay, có thể thấy ở Việt Nam hiện nay nhân lực rất giỏi khi tiếp cận công nghệ, tiếp cận khoa học, nhưng kỹ năng giao tiếp hạn hẹp.

Hiện nay, khả năng kết nối để thành giải pháp tổng hợp rất hiếm, trong khi đó toàn giải pháp độc lập và quá chú trọng đến các yếu tố hàn lâm học thuật.
Theo bà Josephine, cần tư duy chia sẻ và kết nối với nhau, như vậy mới có giải pháp mang tính thực tiễn xã hội cao.

Đơn cử, sự tương tác, kết nối giữa khối R&D của các cơ sở đào tạo nghiên cứu với Chính phủ và khu vực doanh nghiệp cần được chặt chẽ hơn.

Trong đó, Chính phủ có vai trò rất quan trọng để kết nối khu vực nghiên cứu hàn lâm với khu vực doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
* Kỹ năng lao động 4.0

Người lao động, sinh viên học sinh tham gia tìm hiểu, tư vấn, phỏng vấn việc làm trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm năm 2019. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN 

Thông tin khảo sát nghiên cứu do trang JobStreet.com công bố, sự gia tăng của các công ty nước ngoài, công ty khởi nghiệp và sự chuyển đổi đến từ công nghệ 4.0 mở ra cho ứng viên nhiều lựa chọn việc làm hơn trước đây.

Đồng nghĩa, khoản lương và phúc lợi sẽ cao hơn nhưng đồng thời mức độ cạnh tranh để gia nhập công ty với chính sách tốt cũng khắc nghiệt không kém.
Dẫn chứng cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Điều hành JobStreet.com cho rằng, các ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ luật, pháp lý, bất động sản và công nghệ thông tin là một trong những ngành nghề đang được trả lương cao nhất.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa là trên thực tế, dù năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên nhưng vẫn có 47,95% nhà tuyển dụng đồng ý rằng thật khó để tuyển được những ứng cử viên có kỹ năng phù hợp.
Lý giải một trong những rào cản giữa nhà tuyển dụng và người lao động, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, vấn đề ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh sẽ là điều bắt buộc cùng với việc học thêm những kiến thức, kỹ năng mới để theo kịp tốc độ phát triển của cách mạng 4.0.

Đồng thời, thị trường lao động cũng đang thay đổi bắt kịp xu hướng mới, đòi hỏi người lao động phải luôn luôn cập nhật, tham khảo thông tin để chắc chắn rằng trình độ, năng lực, kỹ năng... phù hợp với những thay đổi về yêu cầu tuyển dụng trong hiện tại và tương lai.
Liên quan đến vấn đề này, trang Navigos Search (trang tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại Việt Nam), đánh giá cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo ra biến động lớn trong thị trường lao động, các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển tự động hóa.

Mặc dù vậy, nhu cầu tuyển nhân sự có kỹ năng phù hợp công nghệ mới, vận hành cùng máy móc, cụ thể là nhóm ngành kỹ sư và kỹ thuật cao... có triển vọng phát triển mạnh; ngược lại nhóm nghề như hành chính, thư ký sẽ suy giảm do bị thay thế bằng công nghệ, máy móc…
Theo đó, Navigos Search cho rằng, người lao động cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng số hóa; trang bị những kỹ năng làm việc tập thể, kỹ năng hợp tác, đánh giá, ra quyết định… nhằm đáp ứng xu thế mới và nhiều khả năng phát triển nghề nghiệp.

Người lao động mới trong cuộc các mạng 4.0 phải có kiến thức tổng hợp gồm nghề nghiệp, kỹ năng, kỷ luật, am hiểu công nghệ thông tin và ngoại ngữ.
Đặc biệt, những ngành nghề có xu thế phát triển như công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa…

Trong đó, 8 ngành nghề có kỹ năng tay nghề cao và được các nước ASEAN công nhận giá trị tương đương là dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, du lịch… là cơ hội tốt cho sinh viên và người lao động tìm việc làm./. 

>>>“Cơn khát” nguồn lao động chất lượng cao - Bài 1: Nhu cầu tăng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục