Công bố kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập của người lao động trong năm 2018

19:16' - 12/07/2018
BNEWS Chiều 12/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2018.
17,4% người lao động cho biết có dư dật và tích lũy. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, cơ quan này đã thực hiện khảo sát tại 25 tỉnh, thành phố, ngành Trung ương có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang; Công đoàn ngành Xây dựng; Công đoàn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Cùng với đó, Viện Công nhân - Công đoàn còn tổ chức trao đổi thông tin, thu thập báo cáo, lấy ý kiến với 3.008 phiếu hỏi đối với người lao động tại 150 doanh nghiệp, trung bình mỗi doanh nghiệp 20 lao động, đảm bảo cơ cấu về giới tính, độ tuổi, vị trí công việc; tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, chi tiêu, những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và kiến nghị của người lao động.

Kết quả khảo sát cho thấy, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống), có 32,1% người lao động cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà người lao động dành dụm để chi tiêu dịp lễ tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái.

So sánh thu nhập với chi tiêu của người lao động và gia đình, kết quả như sau: 17,4% người lao động cho biết có dư dật và tích lũy; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.

Khảo sát còn cho thấy, so với năm 2017, tỷ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%; số người lao động gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” chỉ tăng nhẹ (0,5%), nhưng tỷ lệ người lao động “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỷ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%. Nhìn chung, đa số người lao động cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn, song thu nhập cơ bản đủ trang trải cho cuộc sống.

Khi tìm hiểu những về thái độ của người lao động, những khó khăn, bức xúc liên quan đến tình hình việc làm, tiền lương và thu nhập tại người lao động, khảo sát cho thấy, người lao động còn gặp rất nhiều bức xúc. Trong đó, bức xúc vì lương thấp, không có thêm các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống chiếm tỷ lệ cao nhất (25,7%).

Các nội dung khác (làm thêm giờ, tăng ca nhiều; định mức lao động (mức khoán) cao; trả lương không đúng với sức lao động bỏ ra; trả lương không công khai, minh bạch; không thực hiện nâng lương định kỳ), tỷ lệ có bức xúc không cao, nhưng cũng thể hiện sự không hài lòng của người lao động. Theo lãnh đạo Viện Công nhân - Công đoàn, đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động và đình công vẫn còn xảy ra.

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm 2018, cả nước có 131 cuộc đình công, trong đó các doanh nghiệp FDI là 103 cuộc, chiếm 78,6%; ngành dệt may 48 cuộc, chiếm 36,6 %; giày da có 27 cuộc, chiếm 20,6%; điện tử 20 cuộc, chiếm 15,3%.

Cũng theo kết quả điều tra của Viện Công nhân - Công đoàn, mức chi tiêu tối thiểu của các hộ gia đình có 4 người (2 lao động có thu nhập và 2 người phụ thuộc phải nuôi dưỡng) trung bình là 7.241.000 đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục