Cộng đồng ASEAN: Một năm khởi đầu và kỳ vọng phía trước
Nhân kỷ niệm 49 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á–ASEAN (8/8/1967- 8/8/2016) và dịp kỷ niệm Ngày ASEAN (8/8/2016) đầu tiên sau khi chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN , Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Sau đây là nội dung bài viết:
Ngày 31/12/2015, việc thành lập Cộng đồng ASEAN đã đi vào lịch sử, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình liên kết khu vực. ASEAN là Cộng đồng đầu tiên được hình thành ở khu vực c hâu Á. Bằng sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tập hợp gồm 10 quốc gia vừa và nhỏ ở Đông Nam Á đã làm được một điều mà nhiều nước trong và ngoài khu vực dù muốn nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Với niềm tự hào to lớn đó, dịp kỷ niệm Ngày ASEAN (8/8/2016) đầu tiên sau khi chính thức hình thành Cộng đồng là thời khắc quan trọng để chúng ta cùng nhìn lại hành trình đã đi trong gần một năm qua, từ đó có thêm niềm tin để tiếp tục vững bước trên chặng đường phía trước. * Bước khởi đầu đầy thử thách Phải nhìn ra thế giới bên ngoài mới thấy Cộng đồng ASEAN được “khai sinh” vào thời điểm khó khăn, phức tạp đến nhường nào. Khoảng giao thời giữa năm 2015 và 2016 là lúc làn sóng bạo lực cực đoan, khủng bố, xung đột, bất ổn nổi lên không chỉ ở những điểm nóng lâu nay như Trung Đông, c hâu Phi, Nam Á mà cả những khu vực vốn từng được coi là yên bình như c hâu Âu, châu Mỹ. Có hiểu thấu thực trạng đó, mới thấm thía, trân trọng giá trị của hòa bình, ổn định mà các nước ASEAN chúng ta đang có được. Bên cạnh nỗ lực tự thân của mỗi nước thành viên, thành quả đó còn bắt nguồn từ quyết tâm và sự chung sức, đồng lòng của các nước ASEAN trong việc bảo vệ, gìn giữ những nguyên tắc cốt lõi, cùng chia sẻ và đề cao các giá trị hòa bình, hợp tác và ý thức cùng chung vận mệnh.Gần một năm qua, Cộng đồng ASEAN đã chính thức vận hành trên nền tảng hội nhập toàn diện về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Kể từ thời điểm lịch sử đó, ASEAN ngày càng gắn kết chặt chẽ với sự đan xen hài hòa về lợi ích giữa các quốc gia thành viên và khu vực. Lợi ích của hợp tác trong ASEAN đã được chứng minh bằng thực tế trong suốt chiều dài nửa thế kỷ tồn tại và phát triển của Hiệp hội và gần một năm sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành. Lợi ích đó có thể được tóm lược với 3 chữ P trong tiếng Anh, đó là Hòa bình (Peace), Thịnh vượng (Prosperity) và Người dân (People).
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 mới được triển khai từ ngày 1/1/2016, song đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên tất cả các kênh hợp tác. Ở trụ cột chính trị-an ninh, 140/290 dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể 2025 đang được triển khai hiệu quả, làm nổi bật thế mạnh của ASEAN trong việc thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử chung. Nhờ đó, mặc dù tình hình khu vực, nhất là tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, song các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN ( ARF ) , Hội nghị cấp cao Đông Á ( EAS ) , Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ( ADMM+ ) , ASEAN+1, ASEAN+3… vẫn là những khuôn khổ quan trọng hàng đầu trong việc duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột, tạo thói quen hợp tác, thúc đẩy phát triển.
Nhìn từ lăng kính kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, kinh tế ASEAN vẫn được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 5%/năm trong thập kỷ tới, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Sự kiện hình thành Cộng đồng ASEAN đã đưa ASEAN trở thành một thực thể thống nhất, là nền kinh tế thứ ba châu Á và thứ bảy thế giới hiện nay, được kỳ vọng là sẽ vươn lên thành nền kinh tế thứ 4 thế giới vào năm 2050. Đáng chú ý là trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu năm 2014 giảm 16%, FDI vào ASEAN vẫn liên tiếp tăng đều đặn trong 3 năm từ 2013-2015, đưa ASEAN trở thành điểm sáng trên bản đồ thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, một thị trường với 635 triệu dân, GDP trên 2.600 tỷ USD và có mức độ liên kết, hội nhập ngày càng cao sẽ đưa Cộng đồng ASEAN trở thành “miền đất hứa” đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trên bình diện văn hóa-xã hội, với phương châm “hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”, lợi ích của Cộng đồng ASEAN hiện hữu ở tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống thường ngày, từ giáo dục đến y tế, văn hóa, du lịch, môi trường, an sinh xã hội…Việc ASEAN đặc biệt đề cao phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu cũng thể hiện rõ tầm nhìn vượt thời gian, bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ “công dân ASEAN”. Tháng 9/2016 tới đây, Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ thông qua các kế hoạch về Kết nối ASEAN 2025 và Hợp tác giai đoạn III về thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm cụ thể hóa việc triển khai Tầm nhìn 2025 trên hai lĩnh vực ưu tiên hàng đầu là liên kết hạ tầng giao thông, con người và phát triển đồng đều. Trong bức tranh toàn cảnh thế giới vẫn còn nhiều gam màu xám, Cộng đồng ASEAN đang nổi lên như một điểm sáng khẳng định giá trị trường tồn của hợp tác, đối thoại và hội nhập. Những thành công nói trên không chỉ chứng minh tính đúng đắn của con đường mà ASEAN đã kiên trì theo đuổi suốt nửa thế kỷ qua mà còn củng cố quyết tâm của các nước ASEAN thông qua tăng cường liên kết, hội nhập để định hình một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả 10 quốc gia thành viên. * Hành động khu vực, tư duy toàn cầu Đến nay, có thể khẳng định chưa có tổ chức khu vực nào đạt được nhiều thành công như ASEAN trong việc thu hút sự can dự chiến lược của tất cả các nước lớn vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đã nâng cao vị thế và giá trị chiến lược của ASEAN, tiếp tục góp phần cân bằng và điều hòa lợi ích các nước lớn ở khu vực cũng như thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Việc ASEAN liên tiếp tổ chức các Hội nghị Đặc biệt với các đối tác đối thoại quan trọng như Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc ngay sau khi thành lập Cộng đồng cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN, đồng thời phản ánh cam kết và sự coi trọng của các đối tác hàng đầu thế giới dành cho ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 49 ( AMM-49 ) tháng 7/2016 vừa qua và Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 9/2016 tới đây sẽ tiếp tục khẳng định uy tín và sứ mệnh đặc biệt của ASEAN trong việc tạo lập sân chơi và luật chơi chung cho các đối tác cả trong và ngoài khu vực. Đến nay, đã có 86 đối tác cử Đại sứ tại ASEAN và 50 Ủy ban ASEAN tại các nước trên thế giới. Mới đây, ASEAN đã chấp thuận đề nghị tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) của Chi-lê, Iran, Ai Cập và Ma-rốc, trao Quy chế Đối tác theo Lĩnh vực cho Thụy sỹ và Đối tác Phát triển cho Đức và đang tiếp tục xem xét nhiều đề nghị khác. Việc nhiều đối tác hiện có mong muốn mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác với ASEAN và nhiều quốc gia ngoài khu vực bày tỏ nguyện vọng thiết lập quan hệ với ASEAN cho thấy ASEAN đã khẳng định được vai trò và vị thế vượt lên trên tầm khu vực. Với tầm nhìn vượt qua những lợi ích riêng của mình, ASEAN đã và đang thể hiện tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, có trách nhiệm đối với những mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác, phát triển bền vững, chống khủng bố, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bệnh dịch... Vừa qua, việc gắn kết triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Chương trình nghị sự 2030 của Liên h ợp q uốc về phát triển bền vững cho thấy tuy chỉ là một Cộng đồng khu vực, nhưng ASEAN đã và sẽ tiếp tục khẳng định tư duy và tầm nhìn chiến lược mang tính toàn cầu. * Khi đoàn kết là sức mạnhASEAN vẫn được biết đến với đặc trưng “thống nhất trong đa dạng”. 10 nước thành viên ASEAN như 10 ngón tay trong một đôi tay, tuy dài ngắn khác nhau nhưng luôn phối hợp nhịp nhàng. Thành công của ASEAN cũng vậy, tuy ít nhiều phụ thuộc vào tác động từ môi trường bên ngoài, nhưng trước hết được quyết định bởi sức mạnh đoàn kết của ASEAN và nhất là khả năng vượt qua khác biệt. Trước những diễn biến phức tạp gần đây, đã xuất hiện không ít hoài nghi, băn khoăn về đoàn kết và đồng thuận của ASEAN. Lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN non nửa thế kỷ qua đã chứng tỏ một chân lý rằng đoàn kết là sức mạnh, còn chia rẽ là tự hủy hoại lợi ích của chính mình và của cả Cộng đồng. Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc ASEAN cần nỗ lực chung sức, đồng lòng để phát huy vai trò trung tâm, củng cố đoàn kết để bảo vệ những lợi ích chung và chính đáng của mình. Một trong những cơ sở bền vững và quan trọng hàng đầu cho lợi ích thực sự của một quốc gia là sự phù hợp, kết hợp hài hòa với những mục tiêu lành mạnh và lợi ích chính đáng chung của khu vực và quốc tế. Và một lần nữa, tại AMM 49 vừa qua, thực tế lại chứng minh sức mạnh của đoàn kết đã chiến thắng lực cản của sự khác biệt, tác động từ bên ngoài. Với những nỗ lực kiên trì, bền bỉ và tư duy đặt lợi ích chung lên trên, bản Thông cáo chung gồm 192 đoạn và Tuyên bố chung 6 điểm của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực đã khẳng định lại những nguyên tắc nền tảng của hợp tác, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và ý chí phấn đấu vì một Cộng đồng chung. Bài học đó càng làm sáng tỏ một nguyên lý: vận mệnh chung, lợi ích chung của 10 nước anh em trong đại gia đình ASEAN luôn lớn hơn những khác biệt. Đoàn kết và đồng thuận là giá trị đặc trưng và nguyên tắc nền tảng của ASEAN mà mỗi quốc gia thành viên cần có trách nhiệm giữ gìn. * Việt Nam và ASEAN: lợi ích cùng chia sẻ, khó khăn cùng gánh vácChặng đường xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng trùng với thời điểm Việt Nam bắt đầu triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII. Đại hội Đảng đã khẳng định ASEAN là ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chúng ta luôn xác định vận mệnh của Việt Nam gắn liền với vận mệnh chung của ASEAN. ASEAN là nhịp cầu đưa Việt Nam tới khu vực và quốc tế, góp phần tạo lập vị thế của ta như ngày hôm nay, là nơi để ta thể hiện lập trường và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với những vấn đề quan tâm của ta. Về kinh tế, ASEAN là thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, nơi tập trung 6/10 các Hiệp định thương mại tự do-FTA của Việt Nam (FTA của ASEAN, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN- Australia - N ew Zealand ). Tham gia ASEAN giúp ta tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ từ các nước ASEAN và đối tác để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao mặt bằng tiêu chuẩn chung quốc gia, hướng tới tiêu chuẩn chung khu vực như về chất lượng giáo dục, du lịch, y tế, lao động... Từ góc độ quốc gia, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào thành công chung của ASEAN, sẵn sàng đảm nhận mọi trọng trách, tạo dấu ấn hình ảnh một thành viên có uy tín, chủ động, năng động và trách nhiệm trong ngôi nhà chung Cộng đồng ASEAN. Để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm đó, phấn đấu cùng các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và thống nhất; tích cực triển khai và lồng ghép Tầm nhìn ASEAN vào các chương trình hành động cụ thể của các Bộ, ban , ngành, địa phương cả nước về hội nhập quốc tế. Trong đó, cần đầu tư thích đáng về nguồn lực và thúc đẩy hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để Cộng đồng ASEAN ngày càng gắn bó, gần gũi với mỗi người dân và doanh nghiệp. Người xưa có câu “Vạn sự khởi đầu nan”. Ở thời điểm này, chúng ta có thể vững tâm về những việc đã làm gần một năm qua. Chặng đường phía trước của ASEAN chắc còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng một ASEAN đã đi qua hai thế kỷ có thử thách nào chưa vấp phải, có khó khăn nào chưa vượt qua. Với kinh nghiệm và nền tảng của 50 năm qua, chúng ta tin rằng ASEAN có đủ tự tin và động lực để lại vượt qua mọi trở ngại và tiếp tục sự nghiệp xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh. Một lời nói tiếp thêm sức mạnh, triệu hành động sẽ thay đổi tương lai. Với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam luôn sẵn sàng chung sức, đồng lòng cùng nhân dân các nước thành viên đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vì một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh./.- Từ khóa :
- cộng đồng asean
- asean
- việt nam
- kinh tế
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành
20:45' - 31/12/2015
Nhân dịp Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có phát biểu về sự kiện quan trọng này. BNEWS trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu.
-
Kinh tế Thế giới
Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời
06:30' - 31/12/2015
Ngày 31/12, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố, Cộng đồng Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính chức được thành lập, qua đó đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử ASEAN.
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Cộng đồng ASEAN 2015 hình thành và đóng góp của Việt Nam
19:26' - 29/11/2015
Nhân dịp Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có bài viết nhan đề "Cộng đồng ASEAN 2015 hình thành và dấu ấn đóng góp của Việt Nam".
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam và Thái Lan bắt tay xây dựng Cộng đồng ASEAN
09:27' - 25/11/2015
Theo Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy kết nối khu vực và bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các thách thức.
-
Kinh tế Thế giới
Thông cáo báo chí về việc ký thành lập Cộng đồng ASEAN
16:57' - 22/11/2015
Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 là sự kiện mang tính lịch sử, công bố chính thức với thế giới về sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, thành tựu to lớn của quá trình liên kết và hội nhập ASEAN.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Ngành công thương chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
18:53'
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện 9611/CĐ-BCT ngày 26/11 về việc chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
18:47'
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thành phố tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tránh để tình trạng dự án chậm triển khai gây lãng phí lớn.
-
Kinh tế Việt Nam
Bàn giao xong cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình
18:45'
Đến nay, các huyện đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
18:36'
Ban Chỉ đạo có 19 thành viên, trong đó, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo.
-
Kinh tế Việt Nam
Hải Dương ước giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 30% kế hoạch
18:26'
Hải Dương ước giải ngân cả năm 2024 là trên 9.163 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 97% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán và bằng 132,2% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (6.931,7 tỷ đồng).
-
Kinh tế Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Chưa sáp nhập các tỉnh, thành phố ngay
18:03'
Những ngày gần đây, có thông tin đồn thổi về việc nhiều tỉnh, thành phố tiến hành sắp xếp, sáp nhập, đổi tên.
-
Kinh tế Việt Nam
Tăng tốc thi đua hoàn thành cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
16:30'
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa triển khai thực hiện đợt thi đua đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
16:24'
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 26/11/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng: Mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần phải là một "hạt nhân đổi mới"
16:22'
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần phải là một "hạt nhân đổi mới", tạo động lực mới cho nền kinh tế, khẳng định trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế.