Công nghệ thúc đẩy xu hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam

10:55' - 04/11/2022
BNEWS Ngày 3/11, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) và Air Liquide tổ chức Hội thảo công nghệ thúc đẩy xu hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, tập trung vào điện gió ngoài khơi, hydrogen và CCUS.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo và chuyên gia của Bộ Công Thương, Air Liquide, Siemens Energy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro”, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP),  Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Viện Dầu khí Việt Nam, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU), Công ty CP Thiết kế Công nghiệp Hóa chất (CECO)…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận về 3 trụ cột của chuyển dịch năng lượng là điện gió ngoài khơi, hydrogen, CCUS. Đây cũng là cơ hội tốt để các bên nghiên cứu giải quyết các thách thức về công nghệ trong việc ứng dụng hydrogen, CCUS và áp dụng các công nghệ đó trong một số dự án cụ thể cho quá trình chuyển dịch năng lượng, góp phần vào mục tiêu đưa Việt Nam đạt phát thải ròng CO2 bằng 0 vào năm 2050. 

 

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Khương - Ban Chiến lược Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phân tích xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới, đánh giá tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng đối với lĩnh vực dầu khí và định hướng của Petrovietnam để thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng.  

Bà Claire Rosseler - Tổng giám đốc Air Liquide Việt Nam đã giới thiệu về lộ trình chuyển dịch năng lượng của Air Liquide và chiến lược phát triển tại Việt Nam. Air Liquide và Siemens Energy đã giới thiệu các công nghệ chuyển đổi năng lượng mới nhất hiện nay như Syngas, sản xuất methanol từ CO2, sản xuất hydrogen xanh, Biomethane/BioLNG, sản xuất ammonia xanh (xanh lam và xanh lá), công nghệ điện gió ngoài khơi và điện phân H2… 

Kết luận Hội thảo, ông Jan Kollmus - Giám đốc điều hành Air Liquide E&C Singapore khẳng định chuyển dịch năng lượng cần có tư duy hợp tác, đặc biệt là hợp tác về công nghệ để tìm ra giải pháp toàn diện hướng tới mục tiêu giảm phát thải CO2 trên phạm vi toàn cầu. Lãnh đạo Air Liquide bày tỏ mong muốn hợp tác với Petrovietnam để triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ mới trong xu hướng chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. 

VPI là tổ chức khoa học - công nghệ hàng đầu của công nghiệp dầu khí Việt Nam, có khả năng triển khai nghiên cứu phát triển và cung cấp dịch vụ khoa học - kỹ thuật cho toàn bộ chuỗi hoạt động dầu khí. VPI tập trung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, góp phần đưa Petrovietnam phát triển bền vững và tăng năng lực cạnh tranh thông qua tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh và đột phá trong ứng dụng và sáng tạo công nghệ.

Air Liquide là doanh nghiệp hàng đầu thế giới về khí, công nghệ và dịch vụ cho ngành công nghiệp và y tế.  Air Liquide đã và đang phát triển các công nghệ tiên tiến trong việc làm chủ toàn bộ chuỗi hydrogen (sản xuất, lưu trữ và phân phối) và có kinh nghiệm trong quản lý CO2, từ thu giữ, tinh chế và hóa lỏng để lưu trữ và vận chuyển từ nhiều nguồn khác nhau. Air Liquide cam kết mạnh mẽ đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, thông qua các khoản đầu tư gần đây, bao gồm phát triển các ứng dụng hydrogen và hệ sinh thái cho ngành công nghiệp./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục