Công suất tiêu thụ điện lại lập kỷ lục vì nắng nóng kéo dài

16:31' - 19/07/2025
BNEWS Trước diễn biến thời tiết cực đoan, nhu cầu sử dụng điện tăng vọt khiến ngày 18/7/2025 ghi nhận mức công suất tiêu thụ cực đại tại miền Bắc đạt 26.998 MW – cao nhất kể từ đầu năm.

Trong bối cảnh nắng nóng diện rộng tiếp tục bao trùm khu vực Bắc Bộ và dọc dải đất từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, hệ thống điện miền Bắc và hệ thống điện Quốc gia đã đồng loạt xác lập kỷ lục mới về công suất và sản lượng tiêu thụ điện trong ngày 18/7.

 

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), trong các ngày 17–19/7, nền nhiệt khu vực Bắc Bộ phổ biến từ 35–38°C, độ ẩm tương đối giảm thấp còn 50–60%. Một số địa phương ghi nhận nhiệt độ vượt 38°C như Sơn Tây (Hà Nội: 38,8°C), Sơn Động (Bắc Ninh: 38,4°C) hay Bắc Mê (Tuyên Quang: 38,2°C).

Trước diễn biến thời tiết cực đoan, nhu cầu sử dụng điện tăng vọt khiến ngày 18/7/2025 ghi nhận mức công suất tiêu thụ cực đại tại miền Bắc đạt 26.998 MW – cao nhất kể từ đầu năm, tăng 1.458 MW so với cùng kỳ năm 2024, tương đương tăng 5,7%. Song song đó, sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc đạt 1.066,6 triệu kWh, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, miền Bắc tiêu thụ 551,8 triệu kWh, tăng 4,2%.

Trước đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, vào lúc 22h30 ngày 17/7/2025, công suất tiêu thụ điện tại 17 tỉnh, thành phố miền Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra, không bao gồm Hà Nội) đã đạt 18.242 MW – mức cao nhất từ đầu năm đến nay.

Mức tiêu thụ này đã vượt kỷ lục trước đó là 18.084 MW ghi nhận vào tối ngày 2/6/2025, đồng thời bỏ xa đỉnh tiêu thụ điện năm 2024 là 17.300 MW vào lúc 22h00 ngày 10/8/2024./.

Dù phụ tải tăng đột biến do nắng nóng kéo dài, hệ thống điện Quốc gia vẫn duy trì vận hành an toàn, ổn định và tin cậy nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của NSMO, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các Tổng công ty điện lực và các đơn vị phát điện.

Hệ thống lưới điện được điều hành tối ưu, đặc biệt tại các trạm biến áp 500kV trọng điểm như Hòa Bình (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), Thường Tín (Hà Nội) và Hiệp Hòa (Bắc Ninh) – những điểm nút quan trọng trong truyền tải điện.

Cụ thể, máy biến áp 500kV Hòa Bình vận hành với mức tải khoảng 93%. Trạm Thường Tín và Hiệp Hòa ghi nhận mức tải lần lượt là 89% và 85%, đều trong giới hạn an toàn theo quy định.

Điện áp thấp nhất trên hệ thống được ghi nhận tại trạm Việt Trì (Phú Thọ) ở mức xấp xỉ 498kV, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, góp phần duy trì sự ổn định của toàn hệ thống điện trong thời điểm phụ tải lớn nhất.

Bên cạnh áp lực phụ tải cao, việc vận hành hệ thống điện còn được đặt trong tình huống phức tạp do ảnh hưởng sắp tới của bão WIPHA – cơn bão số 3 trong năm 2025. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông từ sáng 19/7, với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 12 và dự báo sẽ tiếp tục mạnh thêm, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Vịnh Bắc Bộ trong ngày 21–22/7.

Trước tình hình này, NSMO đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án ứng phó với thiên tai theo chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện số 5305/CĐ-BCT ngày 17/7/2025. Công ty hiện đang theo dõi sát sao diễn biến bão, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện để điều tiết hợp lý theo quy trình liên hồ chứa, đảm bảo an toàn vận hành hệ thống. Đồng thời, các giải pháp điều độ huy động nguồn điện linh hoạt, phối hợp với đơn vị truyền tải và phân phối điện cũng được triển khai đồng bộ, nhằm hạn chế rủi ro trong thời gian bão ảnh hưởng đến lưới điện quốc gia.

Với sự chủ động và phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị trong toàn ngành điện, hệ thống điện quốc gia tiếp tục khẳng định khả năng vận hành ổn định, an toàn và liên tục, đáp ứng hiệu quả nhu cầu phụ tải trong điều kiện thời tiết cực đoan, đồng thời sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất thường do thiên tai gây ra.

Theo Bộ Công Thương, việc duy trì hoạt động của hệ thống điện ở mức phụ tải cao trong thời gian dài đặt ra thách thức lớn về điều độ hệ thống, vận hành an toàn lưới điện, cũng như nguy cơ quá tải, sự cố cục bộ tại các khu vực dân cư đông đúc.

Trước thực trạng này, Bộ Công Thương, NSMO và ngành điện khuyến cáo người dân và doanh nghiệp cần nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Cụ thể, người dân nên hạn chế sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm (từ 11h30 đến 15h và từ 20h đến 23h00); điều chỉnh nhiệt độ điều hòa ở mức hợp lý (từ 26 độ C trở lên, kết hợp sử dụng quạt gió) để vừa đảm bảo sức khỏe vừa tránh quá tải hệ thống.

Khách hàng cần ưu tiên sử dụng các thiết bị điện có nhãn tiết kiệm năng lượng, tắt các thiết bị không cần thiết, rút phích cắm khi không sử dụng và hạn chế sử dụng đồng thời nhiều thiết bị có công suất lớn vào giờ cao điểm. Nghiên cứu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự tiêu thụ.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nhấn mạnh việc sử dụng điện an toàn để phòng chống cháy nổ là hết sức quan trọng, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khô nóng kéo dài.

Người dân cần kiểm tra, bảo trì hệ thống điện trong nhà định kỳ; không cắm quá nhiều thiết bị điện vào cùng một ổ cắm; không để thiết bị điện hoạt động liên tục trong thời gian dài mà không giám sát.

Việc lắp đặt thiết bị chống rò rỉ điện, chống quá tải cũng được khuyến cáo nhằm hạn chế nguy cơ cháy chập từ hệ thống điện dân dụng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng ngày càng cực đoan và kéo dài, việc sử dụng điện tiết kiệm không chỉ giúp giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cấp điện ổn định mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục