Công trình tràn xả lũ Nam Thạch Hãn chậm tiến độ

12:08' - 25/03/2019
BNEWS Mặc dù Quảng Trị đã triển khai các giải pháp khắc phục sự cố công trình tràn xả lũ Nam Thạch Hãn nhưng tiến độ thực hiện vẫn bị chậm do thiếu vốn và công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp.
Tràn xả lũ Nam Thạch Hãn bị sự cố từ năm 2017. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Ngày 19/3/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị, báo cáo Thủ tướng sớm phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình sửa chữa khẩn cấp Tràn xả lũ Nam Thạch Hãn; đồng thời, có ý kiến với các bộ, ngành xem xét phân bổ gần 30 tỷ đồng trong năm 2019, để địa phương tiếp tục triển khai, hoàn thiện công trình một cách đồng bộ, phù hợp với giải pháp tổng thể. 

Nếu được bố trí vốn, công trình sửa chữa khẩn cấp Tràn xả lũ Nam Thạch Hãn sẽ được đẩy nhanh tiến độ thi công từ tháng 6 – 8/2019, đây là khoảng thời gian mực nước sông Thạch Hãn xuống thấp nhất trong năm nên thuận lợi cho việc thi công công trình…

Công trình Tràn xả lũ Nam Thạch Hãn được xây dựng từ năm 1978, đưa vào sử dụng năm 1980. Công trình này phục vụ tưới tiêu cho gần 15.000 ha cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân. Tuy nhiên, công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục.

Vào tháng 10/2016, do mưa lũ làm phần kết cấu bê tông sân tiêu năng phía bờ Nam tràn xả lũ bị vỡ với diện tích gần 1.000 m2.

Nhiều vị trí khác bị phồng rộp và nguy cơ lún sập; phần cát, đá dưới nền bị cuốn trôi tạo thành nhiều hang rỗng phía dưới nền công trình.

Các chuyên gia đánh giá, sự cố công trình này rất nghiêm trọng, phức tạp về mặt kỹ thuật, nguy cơ xảy ra mất an toàn cho công trình là rất cao.

Do đó, cần sớm khắc phục sự cố một cách tổng thể, triệt để, căn cơ, bền vững nhằm đảm bảo an toàn công trình.

Tổng kinh phí để khắc phục tổng thể sự cố công trình Tràn xả lũ Nam Thạch Hãn cần trên 84 tỷ đồng.

Trong năm 2018, Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị gần 15 tỷ đồng để khắc phục tạm thời công trình, bằng cách khoan phụt chống thấm và gia cố nền tràn của công trình.

Các giải pháp này mới chỉ khắc phục được một phần sự cố công trình nên chưa thể đảm bảo an toàn cho công trình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục