Công ty chứng khoán cẩn trọng khi cho vay giao dịch ký quỹ

14:35' - 30/06/2021
BNEWS Dư nợ margin (cho vay giao dịch ký quỹ) đã tương đối nhiều, với quy mô thị trường như ở Việt Nam hiện nay, các công ty chứng khoán cần cẩn trọng khi thực hiện dịch vụ này.
“Margin như con dao hai lưỡi. Với quy mô thị trường như ở Việt Nam hiện nay, các công ty chứng khoán phải hết sức cẩn trọng và các công ty chứng khoán cho vay margin hiện đã tương đối nhiều”. Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn trong buổi tọa đàm “Chuyển đổi số và tương lai thị trường”.

Đây là phiên tọa đàm cuối cùng trong chuỗi Talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức vào thời điểm nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc 6 tháng đầu năm 2021 và đang bước sang giai đoạn mới với nhiều kỳ vọng mới.

Tại tọa đàm, ông Phạm Hồng Sơn đã chia sẻ về giải pháp chính sách thúc đẩy thị trường minh bạch, lành mạnh trong thời gian tới. Trên nền tảng hạ tầng công nghệ mới sắp đi vào vận hành, các thành viên thị trường kỳ vọng, dòng tiền có chất lượng đến từ nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư… sẽ chảy mạnh hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bên cạnh dòng tiền mới đến từ “nhà đầu tư F0”.

Chia sẻ về vấn đề nghẽn lệnh xảy ra từ cuối năm 2020, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, nghẽn lệnh là vấn đề không mong muốn, hệ thống quá tải do lượng giao dịch tăng rất nhanh. Công ty cổ phần FPT đã phối hợp cùng Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) để xử lý triệt để vấn đề nghẽn lệnh.

Theo báo cáo của HOSE, hiện nay mọi công việc chuẩn bị để xử lý vấn đề nghẽn lệnh đã được hoàn tất, dự kiến đầu tháng 7 sẽ xử lý xong. “Về số lượng lệnh, hệ thống mới gấp từ 3 - 4 lần so với năng lực xử lý của hệ thống mới. Vì vậy, các nhà đầu tư hãy yên tâm rằng, so với hệ thống cũ sẽ không có chuyện nghẽn lệnh nữa với quy mô giao dịch như hiện nay.”, ông Sơn thông tin.

Về vấn đề tái cấu trúc thị trường chứng khoán, ông Sơn cho biết, 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tái cấu trúc cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, các tổ chức kinh doanh chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý vẫn tiếp tục thanh kiểm tra giám sát hoạt động chứng khoán và từ đầu năm tới nay đã tổ chức gần 10 đoàn đi thanh kiểm tra.

“Thanh kiểm tra ngoài xử phạt còn nhằm phát hiện ra các điểm mới để căn cứ vào đó điều chỉnh khung pháp lý cho hoàn thiện hơn.”, ông Sơn nói.

Chia sẻ quan điểm về việc dòng tiền tăng mạnh trong thời gian qua, ông Tô Giang Nam, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VietinBank Capital nhận định, nhiều ý kiến cho rằng, dòng tiền chính để thúc đẩy tăng trưởng thị trường tới từ các “nhà đầu tư F0”, nhưng điều này cần phải xem xét lại.

Ông Nam cho rằng, dòng tiền chính thúc đẩy thị trường tăng trưởng bùng nổ trong thời gian qua phần lớn đến từ hoạt động margin.

Theo thống kê đến hết quý I/2021, dư nợ margin của các công ty chứng khoán cấp cho nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam ở mức 101.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng hơn 25% so với quý liền kề. Đây là con số tăng rất ấn tượng.

Nguồn tiền vay của các công ty chứng khoán giải ngân cho các nhà đầu tư một phần đến từ vốn chủ sở hữu nhưng theo quan điểm của ông Nam, phần lớn đến từ hoạt động tín dụng và huy động thành công trái phiếu ngắn và dài hạn. Năm 2020, rất nhiều công ty chứng khoán đã huy động thành công vốn qua kênh này.

Bình luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết, về margin thời gian dài vừa qua, các công ty chứng khoán cũng nhận thức rằng, đây vừa là dịch vụ tốt nhưng đi kèm theo là rủi ro. Các công ty chứng khoán đã dùng công nghệ để quản lý margin, hầu như con người không can thiệp được, như vậy rất hiệu quả.

Trong 6 tháng tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ quyết liệt kiểm tra các công ty chứng khoán để đảm bảo các công ty chứng khoán cung cấp đúng dịch vụ theo quy định của pháp luật, để bảo vệ cho chính công ty chứng khoán, cho nhà đầu tư cũng như cho thị trường.

Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật về tất cả dịch vụ liên quan.

Nhận định về thị trường trong 6 tháng cuối năm, ông Phạm Vũ Thăng Long, Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô Công ty cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, quý III/ 2021 sẽ khó khăn hơn cho nền kinh tế vĩ mô vì mức nền bắt đầu cao so với cùng kỳ năm ngoái, kèm theo đó là tác động của dịch bệnh. Ông Phạm Vũ Thăng Long hy vọng, quý IV/2021, việc bắt đầu xem xét mở cửa đường bay quốc tế sẽ giúp hỗ trợ cho nền kinh tế đồng pha với thị trường chứng khoán.

Dưới góc nhìn thận trọng, ông Tô Giang Nam, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VietinBank Capital nhận thấy một số mã cổ phiếu, một số ngành tăng tương đối nóng, vượt quá giá trị kỳ vọng. Theo ông, về ngắn hạn, thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh để các cổ phiếu này về mặt bằng phù hợp hơn với giá trị thực.

Tuy nhiên về dài hạn, ông Nam vẫn kỳ vọng thị trường sẽ cải thiện về nâng hạng, dòng tiền nước ngoài quay trở lại, sau khi tạo một nền điều chỉnh cũng sẽ có bước tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục