Công ty tiêu thụ gali lớn nhất thế giới cảnh báo tình trạng tích trữ đĩa bán dẫn

08:20' - 12/07/2023
BNEWS Giám đốc điều hành Freiberger Michael Harz cho rằng ngành sản xuất đĩa bán dẫn làm từ gali đang rất "căng thẳng" khi công ty này nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của khách hàng để tăng cường tích trữ.

Freiberger Compound Materials - công ty tiêu thụ gali lớn nhất thế giới cho rằng việc Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu kim loại quan trọng cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn này đã gây ra tình trạng tích trữ các đĩa bán dẫn làm từ gali.

 

Freiberger, có trụ sở tại Đức, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp Trung Quốc vì nhu cầu gali của công ty này để sản xuất đĩa bán dẫn sử dụng cho bộ khuếch đại tín hiệu điện thoại và thiết bị điện tử quang học.

Giám đốc điều hành Freiberger Michael Harz cho rằng ngành sản xuất đĩa bán dẫn làm từ gali đang rất "căng thẳng" khi công ty này nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của khách hàng để tăng cường tích trữ.

Ước tính, Freiberger tiêu thụ khoảng 10% sản lượng gali toàn cầu và có doanh thu hàng năm đạt 70-80 triệu euro.

Trung Quốc là nước sản xuất phần lớn gali và germani trên thế giới.

Theo số liệu của hải quan, trong năm 2022, đối tác nhập khẩu gali hàng đầu của Trung Quốc là Nhật Bản, Đức và Hà Lan. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu hàng đầu germani là Nhật Bản, Pháp, Đức và Mỹ.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây thông báo kể từ ngày 1/8 tới, nước này sẽ áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các kim loại gali và germani.

Theo đó, việc xuất khẩu gali và germani bắt buộc phải có giấy phép, trong đó khai báo rõ mục đích xuất khẩu và đơn vị cuối cùng tiếp nhận lô hàng xuất khẩu.

Văn bản hướng dẫn của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ việc ban hành các biện pháp này là nhằm "bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia".

Giới chuyên gia đánh giá quy định này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời có thể gây thêm gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Biện pháp kiểm soát của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh Washington cân nhắc những hạn chế mới về xuất khẩu vi mạch công nghệ cao sang Trung Quốc.

Trước đó, tháng 5 năm nay, Trung Quốc cũng đã cấm các doanh nghiệp trong nước mua sản phẩm của nhà sản xuất chip Micron (Mỹ)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục