COP28: Mỹ siết quy định về khí methane trong ngành dầu khí

16:58' - 02/12/2023
BNEWS Ngày 2/12, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ thắt chặt các biện pháp hạn chế lượng khí thải methane của ngành dầu khí.

Đây được coi là một bước đi quan trọng của nền kinh tế đầu tàu thế giới để đáp ứng các cam kết giảm lượng khí nhà kính.

 

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã đưa ra thông báo này trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Nước chủ nhà, Mỹ và Trung Quốc đang xúc tiến tổ chức các cuộc đàm phán về khí methane và các loại khí không phải carbon dioxide khác.

Giảm lượng khí thải methane - vốn rất độc hại nhưng tồn tại trong môi trường trong một thời gian tương đối ngắn - là mục tiêu chính của các quốc gia muốn cắt giảm khí thải nhanh chóng và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu. Loại khí này được cho là chiếm 30% nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái Đất nóng lên do khí nhà kính.

Theo bà Julie McNamara, chuyên gia của Liên minh các nhà khoa học quan tâm, cho biết: “Việc hoàn thiện các tiêu chuẩn khí methane này sẽ giải quyết được các lỗ hổng trong quy định" khi từ lâu các công ty dầu khí đã được phép thải "vô tội vạ" khí methane và các chất gây ô nhiễm nghiêm trọng có hại cho sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân khiến con người và môi trường phải trả một cái giá quá đắt.

Các tiêu chuẩn mới sẽ từng bước yêu cầu loại bỏ việc đốt khí tự nhiên thường xuyên tại các giếng dầu và yêu cầu giám sát toàn diện tình trạng rò rỉ khí methane từ các giếng và trạm nén. Đi cùng với đó là các tiêu chuẩn yêu cầu giảm lượng khí thải từ các thiết bị như máy bơm, bộ điều khiển và bể chứa.

EPA ước tính các quy định mới sẽ ngăn chặn được khoảng 58 triệu tấn khí methane thải ra môi trường trong giai đoạn 2024 - 2038, tương đương với 1,5 tỷ tấn carbon dioxide. Cơ quan này cho biết chỉ riêng vào năm 2030, mức giảm dự kiến tương đương với 130 triệu tấn carbon dioxide - nhiều hơn lượng khí thải hằng năm từ 28 triệu ô tô chạy xăng.

Ngoài khí methane, việc ban hành quy định này sẽ làm giảm lượng khí thải các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) gây ra các vấn đề về hô hấp ở người, cũng như các chất gây ô nhiễm không khí độc hại như benzen có thể gây ung thư.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đi đầu "Cam kết về khí methane toàn cầu" tại COP26 ở Glasgow (Anh). Hiện có 111 quốc gia tham gia đã cam kết tới năm 2030 sẽ giảm được 30% lượng khí thải methane so với mức của năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục