COP28: Quỹ nông nghiệp bền vững toàn cầu của Mỹ và UAE tăng lên 17 tỷ USD

08:12' - 09/12/2023
BNEWS Sáng kiến "Sứ mệnh Đổi mới nông nghiệp vì khí hậu" đã đạt được các cam kết với tổng trị giá 17 tỷ USD, trong đó 12 tỷ USD từ các chính phủ và 5 tỷ USD từ doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ.

Ngày 8/12, tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra ở Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Mỹ và nước chủ nhà UAE thông báo ngân sách tài trợ cho sáng kiến do hai nước khởi xướng về nông nghiệp bền vững toàn cầu hiện đã tăng lên hơn 17 tỷ USD.

Sáng kiến "Sứ mệnh Đổi mới nông nghiệp vì khí hậu" (AIM for Climate) được khởi động năm 2021 tại hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh) dưới nguồn tài trợ từ các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ.

Đến nay, gần 80 dự án đã được công bố trong khuôn khổ sáng kiến với mục tiêu mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh các biện pháp canh tác bền vững và giảm thiểu phát thải khí methane.

Nguồn tài trợ cho sáng kiến này đạt khoảng 8 tỷ USD vào tháng 11/2022 - thời điểm diễn ra COP27 - và tăng lên 13 tỷ USD vào tháng 5 năm nay khi Mỹ và UAE đồng chủ trì hội nghị AIM for Climate ở Washington.

Tính đến thời điểm hiện tại, sáng kiến đã đạt được các cam kết với tổng trị giá 17 tỷ USD, trong đó 12 tỷ USD từ các chính phủ và 5 tỷ USD từ doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ.

 

Tại COP28, các quốc gia tham dự đã công bố 27 dự án mới có quy mô từ 150.000 USD đến 500 triệu USD. Một trong những dự án lớn nhất là dự án giữa các tập đoàn, trong đó có Bunge và Google, phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (Nature Conservancy) và bang Para của Brazil nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

COP28 đánh dấu lần đầu tiên vấn đề nông nghiệp được tập trung thảo luận tại một hội nghị thường niên về khí hậu toàn cầu, với ngày 10/12 được dành riêng cho chủ đề nông nghiệp và lương thực.

Phát biểu với báo giới bên lề COP28, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường UAE Mariam Almheiri nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng tốc độ đổi mới để có thể chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm theo hướng bền vững hơn.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), lương thực và nông nghiệp tạo ra khoảng 30% lượng phát thải khí nhà kính do các hoạt động của con người gây ra.

Cùng ngày, chính quyền thành phố Dubai của UAE công bố kế hoạch cắt giảm 50% lượng khí thải carbon đến năm 2030. Kế hoạch này được kỳ vọng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch khởi động trong thập niên trước và "được hỗ trợ với một lộ trình rõ ràng để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục