Cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của ASEAN

18:16' - 01/12/2023
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Hội đồng Phân loại tài chính bền vững ASEAN (ATB) vừa hoàn tất tham vấn với các bên liên quan về Phiên bản 2 của Phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy).
Đây là một cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hành trình của khu vực hướng tới phát triển bền vững và thích ứng khí hậu, đồng thời thể hiện cam kết của ATB trong việc cung cấp hướng dẫn quan trọng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế có trách nhiệm với môi trường.

 
Nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự về tài chính bền vững trong khu vực, ATB đã phát hành ASEAN Taxonomy phiên bản 2 vào đầu năm nay, trong đó có Khung nền tảng hoàn chỉnh về các phương pháp chi tiết đánh giá các hoạt động kinh tế khác nhau, đồng thời đưa ra Tiêu chí sàng lọc kỹ thuật (TSC) cho lĩnh vực trọng tâm đầu tiên là cung cấp điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa nhiệt độ, cũng như thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).

Tiếp đó, ATB đã tiến hành tham vấn với hơn 1.300 bên liên quan và 250 tổ chức trong và ngoài khu vực thông qua văn bản, các phiên họp bàn tròn và phỏng vấn. Cuộc tham vấn này đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định và hoàn thiện cách thức tiếp cận của ASEAN Taxonomy.

Nguyên lý chính của ASEAN Taxonomy là tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi công bằng. Về vấn đề này, các bên liên quan cho rằng văn kiện này sử dụng hệ thống màu đèn giao thông là một công cụ hữu ích hỗ trợ các công ty trong quá trình chuyển đổi tài chính.

Các bên liên quan cũng hoan nghênh cách tiếp cận bao trùm của ASEAN Taxonomy trong việc hỗ trợ các công ty ở các giai đoạn phát triển khác nhau và đánh giá văn kiện này là công cụ đáng tin cậy, dựa trên cơ sở khoa học, có khả năng tương tác, trong đó có Phân loại tài chính bền vững của Liên minh châu Âu.

Hiện ATB đã bắt tay phát triển TSC cho 2 lĩnh vực trọng tâm tiếp theo trong ASEAN Taxonomy là vận tải và kho bãi, xây dựng và bất động sản. Theo kế hoạch, TSC cho các lĩnh vực trọng tâm còn lại và các lĩnh vực hỗ trợ sẽ được triển khai trong 2 năm tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục