CPI ở mức thấp nhất trong 14 năm qua

11:33' - 24/12/2015
BNEWS Chỉ số CPI năm 2015 tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 trở lại đây. Bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra.
Quảng cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Số liệu trên được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đưa ra. Ông Lâm cũng cho biết thêm, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, khi CPI giữ ở mức thấp và ổn định, tạo điều kiện cho việc điều hành các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường.

Riêng CPI tháng 12 năm 2015 tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng với mức tăng không đáng kể là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,32%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,05%…

Có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là: bưu chính viễn thông giảm 0,03%; giao thông giảm 1,57%, văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1%.

Giải thích các yếu tố giữ cho CPI có mức tăng thấp trong năm 2015, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào.

Sản lượng lương thực của thế giới tăng cùng với sự cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Ấn Độ nên việc xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn hơn do đó giá lương thực luôn ở mức thấp hơn các nước khác.

Tính đến hết tháng 11/2015 Việt Nam xuất khẩu được 6,08 triệu tấn gạo, tuy tăng 0,7% về lượng nhưng giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong năm tiếp tục giảm mạnh, khiến cho giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng “Nhà ở và vật liệu xây dựng” và “Giao thông” năm 2015 lần lượt giảm 1,62% và 11,92%, so với năm trước.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Trong khi đó, giá các mặt hàng thiết yếu khác trên thế giới khá ổn định. Một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh như giá chất đốt, sắt thép…nên chỉ số giá nhập khẩu các mặt hàng này trong năm 2015 so năm 2014 đã giảm 5,82%; chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm và thủy sản giảm 0,28%; chỉ số giá sản xuất hàng công nghiệp giảm 0,58%.

Mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế cũng thấp hơn so với năm trước. Năm 2015 giá dịch vụ y tế được điều chỉnh với mức độ thấp chỉ tác động đến CPI khoảng 0,07%, giá dịch vụ giáo dục tác động đến CPI khoảng 0,12% và giá điện điều chỉnh tăng 7,5% cũng chỉ tác động đến CPI khoảng 0,19%...

Ngoài ra cũng do đồng Nhân dân tệ bị phá giá, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng 3% và nới biên độ giao dịch của đồng USD/VND từ +/- 1% lên +/-3% đã tác động đến giá một số mặt hàng nhập khẩu và giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Ước tính tỷ giá tăng tác động đến mức tăng chung của CPI năm 2015 khoảng 0,72%.

Bà Đỗ Thị Ngọc cũng nhấn mạnh, trong hai năm gần đây, CPI tăng thấp, ngoài các nguyên nhân như đã đề cập, còn có yếu tố tâm lý, chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn. Do đó, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây.

Năm 2015 mặc dù thị trường ngoại hối gặp nhiều áp lực đối với nhưng nhờ sự điều hành hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên tỷ giá USD bình quân năm 2015 chỉ tăng 3,16% so với năm 2014. C hỉ số giá vàng trong năm cũng giảm 4,73% so với năm 2014.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 12 năm 2015 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,69% so với cùng kỳ. Cả năm 2015 so năm 2014 tăng 2,05%.

CPI ở mức thấp nhất trong vòng 14 năm. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, từ năm 2012 đến nay, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế và kiểm soát lạm phát của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán (M2) vẫn giữ tốc độ tăng ở mức hợp lý hơn giai đoạn trước, nhờ vậy chỉ số lạm phát cơ bản có xu hướng giảm dần và ổn định. Năm 2015, lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,05% so năm trước.

Tại cuộc họp báo, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá dự báo CPI năm 2016 tiếp tục tăng so với năm 2015. Một số yếu tố tác động đến CPI năm tới như: điều chỉnh học phí theo Nghị định số 86/2015 của Chính phủ (ngày 02/10/2015) về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015- 2016 đến năm học 2020- 2021.

Giá dịch vụ y tế nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh tăng từ quý II/2016. Đồng thời giá điện sẽ tiếp tục được cân nhắc và điều chỉnh tăng do đầu năm 2015 mới chỉ điều chỉnh 7,5% (là phương án thấp nhất mà Bộ Công Thương đề nghị). Lương cơ bản tăng từ tháng 1/5/2016 khoảng 5%.

Mặt khác, còn có các yếu tố bên ngoài như: giá dầu thô trên thế giới có khả năng tiếp tục giảm do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chưa có quyết định cắt giảm sản lượng. Ngoài ra, năm 2016 có thêm sự cung cấp của Iran ; cạnh tranh giữa các đối thủ xuất khẩu hàng nông sản tiếp tục diễn ra gay gắt. Giá các mặt hàng nông sản có khả năng vẫn giảm, sẽ tác động đến CPI năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục