Credit Suisse: Cuộc khủng hoảng đã được báo trước?

13:58' - 22/10/2022
BNEWS Không khí khủng hoảng bao trùm Credit Suisse đã phần nào lắng dịu, nhưng những thách thức chiến lược dẫn đến suy đoán về khả năng vỡ nợ vẫn tồn tại xung quanh ngân hàng này.

Bầu không khí khủng hoảng bao trùm tập đoàn tài chính-ngân hàng đầu tư Credit Suisse trong những tuần vừa qua đã phần nào lắng dịu, nhưng những thách thức chiến lược dẫn đến suy đoán về khả năng vỡ nợ và sự sụp đổ của giá cổ phiếu vẫn tồn tại xung quanh ngân hàng này.

* Từ những bài học trong quá khứ

Trong bài viết đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald, chuyên gia Stephen Barthlomeusz nhận định mức độ khủng hoảng của ngân hàng Thụy Sỹ uy tín bậc nhất thế giới đã bị các "twitterrati" (người dùng mạng xã hội Twitter) thổi phồng quá mức và ngân hàng này là một tổ chức quan trọng toàn cầu, sở hữu hệ thống các yêu cầu nghiêm ngặt về vốn và thanh khoản, cũng như đòi hỏi sự giám sát phải được thiết kế tỉ mỉ.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Credit Suisse giảm tới 60% kể từ đầu năm nay, và đây không phải là điều bất ngờ. Tính đến ngày 22/10, giá cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ đã giảm xuống còn khoảng 4,5 franc/cổ phiếu. Những người bán khống vay những cổ phiếu này để bán chúng, với niềm tin rằng sau đó họ có thể mua lại với giá thấp hơn trước khi trả lại và bỏ túi phần chênh lệch.

Các nhà đầu tư nhận định rằng cổ phiếu của Credit Suisse sẽ vẫn tiếp tục giảm sau khi họ phải đối mặt với một cơn bão truyền thông trên mạng xã hội buộc mọi người phải có một cái nhìn mới về các vấn đề của ngân hàng Thụy Sỹ này.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao thị trường không bị "sốc" trước vụ việc của Credit Suisse? Theo tác giả, đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra. Credit Suisse đã từng đứng trên bờ vực buộc phải đóng cửa khi một ngân hàng Thụy Sỹ khác là UBS rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và phải nhờ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ "cứu trợ". Credit Suisse cũng là một nhân tố quan trọng có liên quan tới cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ để giữ ổn định của Ngân hàng Deutsche.

Tác giả cho rằng sau nhiều thập kỷ tham vọng và nỗ lực nhằm thách thức sự thống trị của các ngân hàng Phố Wall, những ngân hàng này đã tạo ra tổn thất, sự bất ổn, những khoản tiền phạt lớn và sự thất bại khi không đạt được mục tiêu đề ra.

Tác giả dẫn chứng khi UBS "tự chẩn đoán" lý do khiến ngân hàng này gần như thất bại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, lời giải thích chính là những thách thức và lỗ hổng xuất hiện ra khi các ngân hàng châu Âu cố gắng lấn sân của các ngân hàng Phố Wall để tạo ra hỗn hợp "ngân hàng toàn cầu" - một mô hình toàn cầu mới - giống như ngân hàng JP Morgan Chase.

Ngược về quá khứ, từ giữa những năm 1990, người châu Âu đã cố gắng mua và phát triển thị trường ngân hàng đầu tư theo cách của riêng họ. Họ triển khai doanh thu và nguồn vốn tương đối rẻ, được tạo ra từ các hoạt động ngân hàng truyền thống có độ rủi ro thấp ở khu vực, để theo đuổi các tài sản và doanh thu ngân hàng đầu tư có độ rủi ro cao hơn.

Đối với UBS, vào thời kỳ trước năm 2008, điều đó có nghĩa là sử dụng nguồn vốn rẻ để có được doanh thu và thị phần lớn hơn trong hoạt động cho vay dưới mức nguyên bản và giao dịch chứng khoán. Chiến lược này đã không kết thúc tốt đẹp và UBS phải xác định lại tham vọng chuyển đổi cấu trúc ngân hàng đầu tư của họ, trở về gần hơn với cốt lõi mà họ đã duy trì trong suốt những năm trước đó, cũng như chú trọng nhiều hơn tới việc định giá những rủi ro cao hơn.

Ngân hàng Deutsche, sau hai thập kỷ cố gắng thâm nhập vào lãnh thổ của các ngân hàng Phố Wall và phát triển các hoạt động ngân hàng của mình lớn đến mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gọi đây là ngân hàng toàn cầu có hệ thống rủi ro cao nhất trên thế giới, đã dành những năm gần đây để liên tục tái cơ cấu, sau khi từ bỏ hầu hết các tham vọng ban đầu.

Tuy nhiên, ngân hàng Credit Suisse, vẫn hoạt động ở rìa bên ngoài của phổ rủi ro, cho tới khi quỹ đầu cơ Archegos Capital Management sụp đổ, gây thiệt hại 5,1 tỷ USD cho Credit Suisse, và công ty khởi nghiệp Greensill Capital phá sản, trong đó có rất nhiều khách hàng của Credit Suisse đã bị mất hàng tỷ USD, khiến ngân hàng này phải chịu một loạt rủi ro về nguồn vốn bảo đảm.

Credit Suisse đã đầu tư tới 10 tỷ USD bằng tiền của khách hàng vào Greensill Capital. Tháng Ba năm ngoái, doanh nghiệp này đã đệ đơn phá sản. Bản thân Greensill là một bên cho vay, làm trung gian giữa nhà cung cấp và khách hàng.

Nguyên lý hoạt động là Greensill sẽ trả trước tiền cho nhà cung cấp với một mức chiết khấu, và thay mặt họ, lấy thanh toán từ phía khách hàng. Điều này giúp các nhà cung cấp được thanh toán sớm hơn, và linh hoạt hơn với các khoản tiền. Việc kinh doanh của Greensill thu hút rất nhiều sự chú ý và tiền bạc, nhờ vào các ngân hàng như Credit Suisse. Nhưng kết quả là thương vụ này đã lấy đi của Credit Suisse hơn 3 tỷ USD.

Gần đây nhất, trong ba quý liên tiếp, Credit Suisse đã liên tục thua lỗ, mất hơn 4 tỷ USD, gần bằng mức mà ngân hàng này đã kiếm được trong ba năm trước đó.

Sự sụp đổ của Archegos Capital Management khiến một loạt các ngân hàng khác bị vỡ nợ theo, nhưng hầu hết những người ở Phố Wall đã thoát ra từ sớm và tìm cách hạn chế những khoản thua lỗ đó. Sau vụ việc của Archegos Capital Management, Credit Suisse mới bắt đầu có động thái sắp xếp và định hướng lại chức năng quản lý rủi ro giúp ngân hàng mang tính "thương mại" hơn.

* Credit Suisse không đơn độc

Tác giả cho rằng Credit Suisse đã đi trên chính con đường của UBS trước khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, khi doanh nghiệp này theo đuổi thị phần ngân hàng đầu tư, mà không quan tâm đúng mức đến những rủi ro mà họ phải gánh vác, cũng như đánh giá thấp những rủi ro đó.

Vào tháng Bảy, một giám đốc điều hành mới đã được bổ nhiệm tại Credit Suisse và một nhóm quản lý cấp cao được đại tu (bao gồm cả nhóm quản lý rủi ro). Có thông tin cho biết ngân hàng này đang vạch ra một chiến lược mới, sẽ được công bố vào ngày 27/10 tới.

Điều không thể tránh khỏi là Credit Suisse sẽ phải rút khỏi một số hoạt động rủi ro cao mà ngân hàng đã từng tham gia và theo đuổi một bảng cân đối kế toán lành mạnh, ít rủi ro hơn, thậm chí sẽ phải tăng cường một số hoạt động ngân hàng đầu tư có lợi hơn.

Credit Suisse đã bắt đầu nỗ lực đó, bằng việc triển khai bán nhóm sản phẩm chứng khoán hóa sắp hoàn thành của ngân hàng. Thương vụ này đại diện cho khoảng 20 tỷ USD trong tổng số tài sản có trọng số rủi ro cao của ngân hàng là 280 tỷ USD, nhưng ước tính khoảng 75 tỷ USD là trong khoản nợ tín dụng của ngân hàng. Nếu thành công, Credit Suisse sẽ "giải phóng" được nguồn vốn ước tính 2 tỷ USD.

Ngân hàng Thụy Sỹ cũng đang tìm kiếm nâng doanh số bán hàng hoặc liên doanh với các doanh nghiệp ngân hàng đầu tư khác. Bloomberg tiết lộ rằng Credit Suisse dự tính đưa một nhà đầu tư vào toàn bộ mảng ngân hàng đầu tư, nhưng ở quy mô nhỏ hơn.

Tác giả lưu ý quy mô những thách thức mà Credit Suisse đang đối mặt cần phải được xem xét trong bối cảnh đầy đủ. Hầu hết các phân tích trên thị trường đều nói rằng ngân hàng này cần tăng nguồn vốn chủ sở hữu trong khoảng từ 4-6 tỷ USD. Đó là một số tiền tương đối khiêm tốn. Credit Suisse có thể sẽ miễn cưỡng huy động thêm vốn mới, trong khi giá cổ phiếu của ngân hàng vẫn đang thấp hơn khoảng 60% so với mức đỉnh của tháng Một.

Những lời bình luận ngập tràn trên mạng xã hội vào tuần trước đã bỏ qua thực tế rằng, với việc được chỉ định là một ngân hàng quan trọng toàn cầu về mặt hệ thống, Credit Suisse không được phép sụp đổ. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ, vốn đã ra tay cứu trợ UBS, chắc chắn sẽ can thiệp.

Chiến lược rõ ràng của Credit Suisse là rút lui, không nhất thiết phải hoàn toàn, trở về cốt lõi là một ngân hàng bảo thủ, với hoạt động kinh doanh quản lý tài sản thông thường hơn.

Mặc dù Credit Suisse đã mất đi một lợi thế mà các ngân hàng Thụy Sỹ từng có so với các đối tác Mỹ hoạt động trên thị trường toàn cầu là khả năng cung cấp cho khách hàng sự riêng tư tuyệt đối, nhưng các hoạt động giao dịch ngân hàng tinh vi và khả năng quản lý tài sản vẫn là thế mạnh của Credit Suisse.

Credit Suisse không đơn độc. Sau hơn một thập kỷ lãi suất từ cực thấp đến âm và những cơn sốt thanh khoản do các ngân hàng trung ương tạo ra, động lực để các tổ chức tài chính và cá nhân săn đuổi rủi ro ngày càng tăng. Một số rủi ro đó đã bắt đầu lộ ra, bởi tốc độ và mức độ mà các ngân hàng trung ương chủ chốt, đáng chú ý nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đang thực hiện thông qua việc đảo ngược chính sách của họ.

Tỷ giá đang tăng nhanh chóng và thanh khoản trên thị trường tài chính bị thu hẹp đáng kể. Khi làn sóng thanh khoản rẻ đó biến mất, các nhà đầu tư khi đó có thể thấy rằng Credit Suisse có lẽ không phải là tổ chức tài chính lớn duy nhất rơi vào tình cảnh này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục