CTCP đường Bình Định bị cấm nhưng vẫn hoạt động: Lãnh đạo tỉnh nói gì?

15:35' - 06/04/2018
BNEWS Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND cùng các sở, ngành giải quyết dứt điểm tình trạng Công ty cổ phần đường Bình Định (Bisuco) vẫn ngang nhiên hoạt động sau khi có lệnh dừng hoạt động...
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Kha-TTXVN

Ngày 6/4, Tỉnh ủy Bình Định khóa XIX đã tổ chức Hội nghị lần thứ 14, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị quý I và giải pháp thực hiện nhiệm vụ quý II năm 2018.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND tỉnh Bình Định cùng các sở, ngành giải quyết dứt điểm tình trạng Công ty cổ phần đường Bình Định (Bisuco) vẫn ngang nhiên hoạt động sau khi có lệnh dừng hoạt động do không đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường.

“Phải tiến hành xử lý dứt điểm, đảm bảo về môi trường và ổn định nông dân trồng mía, không để tình trạng này kéo dài", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết, mặc dù UBND tỉnh Bình Định đã ban hành lệnh dừng hoạt động đối với Công ty cổ phần đường Bình Định, nhưng đơn vị này vẫn ngang nhiên hoạt động. Để đối phó với chính quyền, Công ty cổ phần đường Bình Định còn mua mía nguyên liệu của nông dân về tập kết tại nhà máy, tạo thêm sự lộn xộn tại địa phương.

“Sau 17 lần kiểm tra Công ty cổ phần đường Bình Định, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định vẫn phát hiện nhiều chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường của đơn vị này trong quá trình sản xuất. Có chỉ số vượt tiêu chuẩn đến 8.000 lần. Công ty này gây khó khăn cho cơ quan chức năng bằng cách xây dựng hệ thống ống xả âm dưới mặt đất, miệng cửa xả nằm thấp hơn mặt nước sông Kôn. Từ đó nước vận hành sản xuất của nhà máy xả thẳng ra sông Kôn. Nhà máy còn dùng nước bơm từ sông vào làm mát hệ thống máy rồi trộn lẫn nước xả vận hành vào nước làm mát để xả ra môi trường”, ông Trần Châu nói.

Hiện tại, Công ty cổ phần đường Bình Định đang có số nợ hơn 240 tỷ đồng; trong đó, nợ nông dân trồng mía tỉnh Gia Lai hơn 49 tỷ đồng và thiếu khả năng chi trả.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phạm Kha-TTXVN

Lần gần nhất Công ty cổ phần đường Bình Định bị buộc dừng hoạt động là ngày 23/3/2018, theo văn bản số 1115/UBND-KT của UBND tỉnh Bình Định. Sau lệnh dừng hoạt động này, Công ty cổ phần đường Bình Định vẫn ngang nhiên hoạt động, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đã phải lập biên bản xử phạt đến lần thứ 4.

Ông Trần Châu cho biết, UBND tỉnh Bình Định đã cử lực lượng giám sát, trước mắt để nhà máy hoạt động ép hết lượng mía cây đã được đưa về tập kết tại nhà máy; sau đó sẽ tiến hành niêm phong nhà máy, không cho hoạt động.

Tỉnh Bình Định cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai cùng Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) để tiêu thụ hết mía của nông dân ngay trong vụ này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục