Cú chuyển mình từ tiêu dùng truyền thống sang tiêu dùng công nghệ

11:32' - 25/01/2023
BNEWS Đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của nền kinh tế, làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp... để thích nghi với bối cảnh đó.

Từ một công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng như: nước mắm, nước tương, thịt mát có thương hiệu và bán lẻ... Đến nay, Masan Group đã trở thành hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ duy nhất tại Việt Nam có khả năng đáp ứng 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt, từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính, viễn thông, chăm sóc sức khỏe và sắp tới là cả giải trí trên nền tảng số.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể cạnh tranh với các công ty trên toàn cầu, công nghệ là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Công nghệ đang dần trở thành phương pháp vận hành mới, là cách người tiêu dùng tiếp cận nhà phân phối, nhà bán lẻ để tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng nhu cầu hàng ngày.

Thực tế, thời gian qua, Masan đã có những bước đi mạnh mẽ để chuyển đổi tập đoàn này trở thành nền tảng tiêu dùng - công nghệ. Nói về quá trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền tảng tiêu dùng - công nghệ, ông Danny Le cho biết: Masan đang tập trung vào 3 hoạt động chủ đạo. Đầu tiên là tích hợp cung cấp dịch vụ tín dụng cho đại đa số người tiêu dùng phổ thông thông qua việc ứng dụng công nghệ của Trusting Social và hợp tác với các đối tác ngân hàng.

Thứ hai là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) để gia tăng hiệu suất và khả năng thấu hiểu người tiêu dùng, và cuối cùng là tạo nên một nền tảng nhân sự mới để liên tục hướng dẫn, đào tạo, tương tác và trao quyền cho nhân viên bởi Masan tin rằng: con người chính là nền tảng của hoạt động kinh doanh.

"Masan luôn vận dụng các hiểu biết và ứng dụng công nghệ để giải quyết thách thức của thị trường.Ví dụ như khi Masan đặt mục tiêu phục vụ người tiêu dùng các trải nghiệm cá nhân hóa và có thể là mở rộng sang lĩnh vực giải trí trên nền tảng số, chúng tôi cần ứng dụng big data (dữ liệu lớn) để giải quyết vấn đề này." - ông Danny Le cho biết.

Thực tế, trong một năm trở lại đây, các thương vụ M&A của Masan đã chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, tháng 4/2022, Masan đã đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần Công ty Trusting Social, một công ty fintech cung cấp giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo và máy học giúp ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp các sản phẩm tài chính cho người tiêu dùng trên quy mô lớn.

Nói về việc ứng dụng công nghệ AI và ML vào nền tảng tiêu dùng - bán lẻ của Tập đoàn, lãnh đạo Masan cho biết: "Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng dịch vụ, các công nghệ này còn đảm bảo các sản phẩm dịch vụ ra mắt có tỉ lệ thành công cao hơn, đồng thời mang đến trải nghiệm riêng cho mỗi người tiêu dùng".

Ở mảnh ghép công nghệ còn lại, sau hơn một năm “về tay” Masan, Mobicast - công ty sở hữu mạng di động WINtel (trước đây là Reddi) chưa có nhiều hoạt động nổi bật trên thị trường viễn thông.

Đại diện Masan cho biết, Mobicast đang tập trung nguồn lực vào giai đoạn xây dựng nền tảng trước khi tung ra các hoạt động đột phá. Đổi tên mạng di động Reddi thành WINtel chính là bước đi đầu tiên của giai đoạn này.

Hướng đến nhóm khách hàng trẻ, hiện đại, WINtel đã chủ động số hóa toàn bộ dịch vụ để mang đến cho người dùng những trải nghiệm viễn thông tiện lợi trên nền tảng ứng dụng di động.

Bắt đầu từ việc mua sim số và kích hoạt thuê bao, thay vì phải chuẩn bị bộ hồ sơ nhiều loại giấy tờ và trực tiếp ra cửa hàng, khách hàng có thể chọn số theo ý muốn, đặt giao sim tận nơi và thực hiện xác thực thông tin theo hướng dẫn qua ứng dụng WINtel.

Trên nền tảng offline, WINtel thừa hưởng hệ thống phân phối chính là hơn 3.000 siêu thị cửa hàng WinMart/WinMart+. Trong định hướng của Masan, WINtel không chỉ là một mạng di động thông thường mà sẽ là nền tảng số, nơi người tiêu dùng có thể tận hưởng các dịch vụ giải trí, mua sắm và nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác.

"Mọi phân tích trên nền tảng số cần được nối với hành vi tiêu dùng offline. Bởi riêng phân tích số có thể chưa đánh giá chính xác vì sao người tiêu dùng của Masan vì sao họ mua cái này, không mua cái kia? Vì sao họ thích cái này, không thích cái kia? Chúng tôi sẽ dùng cách hiểu người tiêu dùng của Masan từ xưa trên nền tảng offline và nối với phân tích trên nền tảng số để ra được một bức tranh đầy đủ về hành vi của người tiêu dùng," ông Danny Le chia sẻ.

Trước đó, năm 2021, Masan cũng đã bắt tay hợp tác với "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba và quỹ đầu tư Baring Private Equity (BPEA). Theo đó, WinCommerce - đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+ của sẽ Masan thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Lazada - nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba.

WinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada. Hai bên cùng chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành ngành hàng chủ chốt của thương mại điện tử. Đồng thời, phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán offline của WinMart, WinMart+.

Đối với chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+, chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Đơn cử như việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp vận hành hiệu quả lơn, tiết kiệm được nhân lực, chi phí. Bên cạnh đó, phát triển các kênh bán hàng trực tuyến giúp gia tăng doanh thu, lợi nhuận và mở rộng đối tượng khách hàng. Quan trọng hơn, khách hàng sẽ có trải nghiệm mua sắm tốt nhất. Nếu như trước đây, muốn mua hàng của WinMart/WinMart+ khách hàng phải ra tận siêu thị và cửa hàng. Thì giờ đây, họ chỉ việc ngồi tại nhà, lên web hoặc gọi điện thoại là sẽ được phục vụ tận nơi.

Ông Danny Le - CEO Tập đoàn Masan cho biết: "Masan nhìn nhận nền tảng tiêu dùng bán lẻ của mình là nơi chúng tôi có thể tận dụng những công nghệ tốt nhất, để giải quyết các nhu cầu lớn chưa được đáp ứng và mang lại lợi ích vượt trội cho người tiêu dùng."

Giải thích rõ hơn, ông Danny cho biết khi xu hướng tiêu dùng hiện đại ngày càng phổ biến, nhiều người tiêu dùng không thích các chương trình khuyến mãi đại trà. Các trải nghiệm mua sắm nhanh chóng, tiện lợi mang tính cá nhân hóa, tích hợp xuyên suốt offline-to-online sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Do đó, Masan đã tìm cách mang đến cho mỗi người tiêu dùng một ưu đãi riêng, được cá nhân hóa, dựa trên lịch sử mua hàng của người tiêu dùng.

Hiện nay, mục tiêu của Tập đoàn Masan cũng như WinCommerce là xây dựng nền tảng offline to online, tức là phục vụ khách hàng xuyên suốt từ trực tiếp đến trực trực tuyến. Đây cũng là xu hướng chung của ngành tiêu dùng – bán lẻ hiện nay.

Rõ ràng, việc mua lại các công ty công nghệ không phải là sự thay đổi “khẩu vị” M&A mà đều nằm trong chiến lược dài hạn của Masan và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của ngành tiêu dùng - bán lẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục