"Cú huých" và áp lực từ nhà bán lẻ ngoại tại thị trường Việt Nam

12:26' - 05/01/2018
BNEWS Thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển mạnh với nhiều kênh thương mại hiện đại ngày càng trở nên phổ biến, qua đó tạo nhiều điểm mua sắm đa dạng cho người dân thành phố.
"Cú huých" và áp lực từ nhà bán lẻ ngoại tại thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN
Đặc biệt, sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại được đánh giá là vừa tạo áp lực vừa mang lại "cú huých" mạnh mẽ thúc đẩy các đơn vi ̣phân phối hiện đại Việt Nam năng động vươn lên để cạnh tranh tồn tại và phát triển.

*Làn sóng thâu tóm từ dòng vốn ngoại

Nếu như giai đoạn trước đây, số lượng điểm bán của kênh phân phối hiện đại có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng không đáng kể, thì hiện nay tỷ trọng này đang có xu hướng tăng một cách nhanh chóng. Cụ thể, các nhà bán lẻ ngoại đã thông qua nhiều phương thức thâm nhập thị trường bán lẻ Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung như mua bán, sáp nhập, liên doanh, liên kết, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...

Đơn cử, có thể kể đến các thương vụ như Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) đã mua lại 49% cổ phần hệ thống siêu thị Citimart và đổi tên thành AEON - Citimart; 30% cổ phần chuỗi cửa hàng tiện lợi Fivimart... Còn Tập đoàn LOTTE (Hàn Quốc) mua lại 70% cổ phần Trung tâm thương mại Diamond Plaza; Tập đoàn bán lẻ Berli Jucker Plc (Thái Lan) mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam); chuỗi Family Mart tại Việt Nam và đổi tên thành B’s mart.

Riêng Tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái Lan) mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu 100% Công ty Thương mại Nguyễn Kim (thông qua Công ty Power Buy); thành lập chi nhánh Robins tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh; mua lại hệ thống Big C Việt Nam... Mặt khác, trong năm 2017, hệ thống phân phối tại Tp. Hồ Chí Minh đã có sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của hai Tập đoàn bán lẻ lớn, gồm hệ thống siêu thị Auchan (Pháp) phát triển 5 siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven Eleven (Nhật Bản) phát triển 9 cửa hàng.

Nhận định về thị trường bán lẻ trong năm 2018 và những năm tiếp theo, một số chuyên gia cho rằng các tập đoàn phân phối nước ngoài lần lượt thâu tóm các hệ thống phân phối hiện đại Việt Nam, đồng thời kênh bán lẻ hiện đại có yếu tố nước ngoài được dự báo sẽ tăng và tiếp tục có sự tham gia của nhiều nhà bán lẻ ngoại do Việt Nam đang đẩy mạnh thực thi các cam kết hội nhập.

Trong khi đó, ngoại trừ một số đơn vị bán lẻ trong nước như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (Satra), Tập đoàn Vingroup... có quy mô hệ thống tương đối lớn thì phần lớn các đơn vị trong nước còn lại vẫn hoạt động nhỏ lẻ quy mô 1 - 2 siêu thị.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, đặc điểm của các siêu thị trong nước là số lượng đơn vị nhiều, chênh lệch quy mô lớn, nguồn lực hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm quản lý điều hành những mô hình phân phối hiện đại quy mô lớn theo chuỗi, đa dạng loại hình, địa bàn rộng khắp. Còn các doanh nghiệp mới mong muốn khởi nghiệp trên lĩnh vực bán lẻ không nhiều do còn ngần ngại, cân nhắc về khả năng cạnh tranh và gặp nhiều khó khăn để giải quyết bài toán logistic, hệ thống ERP và nguồn nhân sự chuyên nghiệp. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự yếu thế của các hệ thống bán lẻ trong nước so với hệ thống có yếu tố nước ngoài.

*Nỗ lực giữ vững thị phần sân nhà

Với sự xuất hiện các hệ thống phân phối nước ngoài đã giới thiệu những phương thức thương mại hiện đại, chuyên nghiệp cùng những công nghệ, kinh nghiệm và kỹ năng quản lý hiện đại, góp phần nâng cấp hạ tầng thương mại nội địa. Hệ thống phân phối nước ngoài cũng tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào các hệ thống phân phối của họ ở các nước khác.

Tuy nhiên, các đơn vi ̣phân phối hiện đại Việt Nam phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức do năng lực tài chính giới hạn, thiếu tính chuyên nghiệp, hạn chế về sức mua và các mối quan hệ toàn cầu, cơ sở hạ tầng và bị cạnh tranh quyết liệt trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Hơn thế nữa, các đơn vi ̣phân phối hiện đại Việt Nam thường không đủ điều kiện và khả năng thực thi những chiến lược mang tính dài hạn, đặc biệt tính liên kết không cao, tầm nhìn hạn chế.

Tại Tp. Hồ Chí Minh hiện có 207 siêu thị, tăng thêm 18 siêu thi ̣so với cuối năm 2016, trong đó siêu thị trong nước chiếm 56% và siêu thị có yếu tố nước ngoài chiếm 44%. Đối với hệ thống trung tâm thương mại, thành phố có 43 trung tâm thương mại; trong đó, trung tâm thương mại trong nước chiếm 66,67% và có yếu tố nước ngoài chiếm 33,33%. Ngoài ra, hệ thống phân phối hiện đại thành phố còn có 1.100 cửa hàng tiện lợi, tăng 218 cửa hàng tiện lợi so với cuối năm 2016, trong đó các chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước là 164 cửa hàng, chiếm tỷ trọng 75,2% tổng số cửa hàng tăng thêm năm 2017.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhìn chung các doanh nghiệp trong nước vẫn đang chiếm ưu thế về điểm bán đối với loại hình siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tỷ trọng lần lượt là 79% và khoảng 70%. Ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài mặc dù vẫn đang chiếm tỷ trọng cao tại loại hình trung tâm thương mại là 53,66%.

Mặc dù, trong thời gian tới dự kiến khi Satra sẽ đưa vào hoạt động trung tâm thương mại tại quận 6 và huyện Củ Chi thì tỷ trọng sẽ theo xu hướng cân bằng giữa hệ thống trong nước và có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các đơn vị bán lẻ chủ lực của thành phố đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng phục vụ phát triển điểm bán. Bước sang năm 2018, Tp. Hồ Chí Minh cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị này nhanh chóng phát triển điểm bán để tiếp tục chiếm tỷ trọng cao đối với thị phần bán lẻ trên địa bàn thành phố.

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, các tập đoàn phân phối nước ngoài luôn có chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững. Do đó, khi các tập đoàn phân phối nước ngoài phát triển các cơ sở bán lẻ sẽ kéo theo hàng hóa của các nước vào thị trường bản địa và tạo ra đặc trưng riêng của hệ thống bán lẻ đó, giúp thu hút khách hàng đến với hệ thống bán lẻ đó. Đơn cử, hệ thống siêu thi ̣ LOTTE Mart, Emart bán đồ Hàn Quốc; hệ thống Aeon bán hàng hóa xuất xứ Nhật Bản... Nếu không nhận rõ tình hình và không có những giải pháp thích hợp, hiệu quả thì khả năng nước ngoài chiếm lĩnh hệ thống phân phối và thị trường nội địa là rất lớn. Các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục