Cử tri Đà Nẵng kỳ vọng về phương hướng phục hồi, phát triển kinh tế

16:42' - 20/05/2020
BNEWS Ngày 20/5, cử tri tại thành phố Đà Nẵng đã theo dõi Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV được khai mạc với hình thức họp trực tuyến, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phần lớn cử tri đều quan tâm, kỳ vọng vào các giải pháp, phương hướng phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 mà Quốc hội thảo luận trong kỳ họp này.

Cử tri Vũ Thìn (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho rằng, việc Quốc hội họp trực tuyến lần này đã cho thấy sự chủ động đổi mới, thích ứng cách làm việc, phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Qua đó, cử tri Vũ Thìn đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới cách làm việc, thực hiện hiệu quả phương án phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, gắn liền với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ để người dân và các doanh nghiệp sớm khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cử tri Trần Thị Một (đồng bào Cơ Tu, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) mong chờ Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Cử tri Trần Thị Một hy vọng Quốc hội sẽ đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn.

Trong kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn 03 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Theo cử tri Lê Quốc Hùng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), đây sẽ là bước đánh dấu quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, là tiền đề tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu.

Khi được phê chuẩn, các Hiệp định này sẽ góp phần thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến từ Liên minh châu Âu và các khu vực khác. Đây sẽ là những động lực để thúc đẩy kinh tế nước ta phát triển, hòa cùng nỗ lực khôi phục kinh tế chung của cả thế giới sau dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục