Cử tri Hà Nội kiến nghị về sửa đổi bất cập trong phòng cháy, chữa cháy

18:33' - 21/08/2023
BNEWS Ngày 21/8, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề: Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố.

Phát biểu đề dẫn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, mặc dù Quốc hội khóa XIV đã tổ chức giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết số 99 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

 

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết, bên cạnh thành tựu vẫn còn những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Một số nội dung trong Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy đã bộc lộ hạn chế, bất cập chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Trên tinh thần này, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đề nghị các đại biểu tập trung phát biểu ở một số nội dung: Việc thực hiện các quy định về phòng cháy; công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phương tiện và đầu tư hoạt động phòng cháy, chữa cháy; công tác quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy; những bất cập, khó khăn cần tháo gỡ...

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố thông tin, Hà Nội là một trong những thành phố có số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy nhiều nhất cả nước. Trong khi đó, quy hoạch hạ tầng phục vụ công tác này chưa đáp ứng yêu cầu.

Điển hình là còn nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ có chiều dài hàng trăm đến hàng nghìn mét; hệ thống trụ nước, bể nước, trữ nước phục vụ công tác chữa cháy còn thiếu. Bên cạnh đó, còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…

Nêu thực tế về khó khăn trong hoàn thiện các yêu cầu của cơ quan chức năng về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh karaoke, đại diện đơn vị kinh doanh loại hình trên cho rằng, việc phải thiết kế, trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà với yêu cầu trữ lượng bể nước tính toán trong 3 giờ dẫn tới rất nhiều khó khăn cho cơ sở khi phải đáp ứng khối lượng bể nước lên tới 150 - 250m3. Với khối lượng nước như trên, khó có cơ sở nào đáp ứng được vì phần lớn cơ sở kinh doanh đều đi thuê, không dễ để cải tạo chức năng, kết cấu của ngôi nhà.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận đề xuất, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Phòng cháy và chữa cháy, các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với công trình chưa nghiệm thu đã đưa vào hoạt động; các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, đất vi phạm…

Tại buổi tiếp xúc, một số đại biểu xã, quận, huyện, ngành bày tỏ các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập, có nội dung chưa thống nhất, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng. Chưa có quy định công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với các đối tượng không được phép hoạt động dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, không được giải quyết triệt để.

Do đó, các đại biểu kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các đơn vị rà soát, kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với thực tiễn.

Cơ quan chức năng kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tiếp thu các ý kiến phát biểu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, cử tri Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao, chuyển tải được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Bà Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh, với trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, các ý kiến cử tri sẽ được tổng hợp đầy đủ để chuyển tải tới các cơ quan chức năng, chuyên môn, đồng thời tăng cường giám sát để đánh giá thực tiễn, tổng hợp để cập nhật, hoàn thiện pháp luật.

Theo Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, địa bàn thành phố xảy ra 144 vụ cháy khiến 10 người chết, 11 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4,6 tỷ đồng, 6ha rừng. Thành phố đã thành lập, duy trì hoạt động 7.313 "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy"; xây dựng, lắp đặt 19.685 điểm chữa cháy công cộng.

Trong gần 8 tháng năm 2023, toàn thành phố có 928 vụ việc được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh, trong đó có 428 vụ được người dân dùng bình chữa cháy tự trang bị để dập tắt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục