Cử tri mong muốn có giải pháp phù hợp để sớm phục hồi kinh tế

13:29' - 08/11/2021
BNEWS Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Cử tri mong muốn có giải pháp phù hợp để nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển

Qua theo dõi phiên thảo luận sáng 8/11 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, cử tri thành phố Hà Nội bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao các nội dung thảo luận tại hội trường, thể hiện sự tâm huyết, trí tuệ, thẳng thắn và trách nhiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo và giải trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra đã đánh giá tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách cơ bản đã phản ánh sát đúng, khách quan thực tế của đất nước.

Cử tri Nguyễn Minh Dũng (quận Đống Đa, Hà Nội) đánh giá cao việc Đảng, Nhà nước đã kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Việc Chính phủ quyết định huy động lực lượng vào hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch, trong đó có cán bộ, chiến sỹ Quân đội, Công an, dân quân tự vệ là quyết định kịp thời, phù hợp, hiệu quả, góp phần lập lại an ninh, trật tự, đảm bảo các quy định phòng dịch được thực hiện nghiêm túc.

Đồng thời, sự có mặt của lực lượng Quân đội với tinh thần phục vụ nhân dân trên hết, đã góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an sinh, đời sống người dân trong vùng giãn cách.

Ngoài ra, việc các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng tuyến đầu, các nhà hảo tâm, tình nguyện viên… không ngại khó, ngại khổ, tham gia phòng, chống dịch và chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân cũng góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình, sớm mang lại cuộc sống "bình thường mới" của người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Song, dịch COVID-19 là thách thức an ninh phi truyền thống khó khăn nhất từ trước đến nay xuất hiện ở nước ta. Công tác phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, nguồn lực của đất nước còn hạn chế. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm đã gây tổn thất nặng nề về con người và kinh tế, xã hội.

Đến nay, dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng nhân dân mong muốn các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, chậm trễ, bị động. Qua đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, cử tri Nguyễn Thanh Quyết, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Đức Nam (quận Nam Từ Liêm) nhìn nhận, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh nhưng chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong 9 tháng của năm 2021.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, GDP 9 tháng năm 2021 không đạt kế hoạch; công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm. Cử tri và nhân dân lo lắng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 không đạt, dẫn đến khó đạt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; có chính sách hỗ trợ về thuế, giãn, khoanh nợ ngân hàng, cho vay mới; giảm lãi suất ngân hàng, giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động… để doanh nghiệp có thể vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Bày tỏ sự đồng tình cao về các chính sách xã hội và an sinh xã hội, tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ đã đề ra, song cử tri Nguyễn Văn Hùng (Khu đô thị Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho rằng, trên thực tế, còn nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội. Ngoài ra, thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm; việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; một bộ phận nông dân gặp khó khăn nhưng chưa được đưa vào diện hỗ trợ; vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi... Đặc biệt, cử tri Hùng bày tỏ lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với sức khỏe học sinh bậc Tiểu học khi các cháu phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử....

"Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương khẩn trương thể chế hóa Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 về phục hồi, phát triển kinh tế khi đã kiểm soát được dịch bệnh; sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ, kích thích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng; có chính sách hỗ trợ để bảo đảm nguồn lao động cho các doanh nghiệp khi hoạt động trở lại; tiếp tục có giải pháp phù hợp để nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển", cử tri Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục