Cửa biển ở Quảng Ngãi bị bồi lấp khiến tàu thuyền khó ra vào

11:40' - 29/05/2024
BNEWS Tình trạng bồi lấp tại một số cửa sông, cửa biển ở tỉnh Quảng Ngãi ngày càng nghiêm trọng, khiến tàu thuyền của ngư dân ra vào gặp nhiều khó khăn, buộc phải đưa tàu đến các cảng khác để bán hải sản.

Tại Cửa Đại, còn gọi là Cửa Cổ Lũy là nơi dòng sông Trà Khúc và sông Phú Thọ đổ ra biển Đông, cũng là nơi để hơn 2.000 tàu thuyền của ngư dân các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi ra khơi khai thác hải sản. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay việc cửa biển này thường xuyên bị sạt lở, bồi lấp khiến luồng lạch bị thu hẹp, cạn dần khiến tàu thuyền ra vào khó khăn.

 

Chỉ tay về bãi cát trắng bên dòng sông Phú Thọ, ngư dân Nguyễn Ái, xã Nghĩa An, cho hay, ngày trước toàn bộ khu vực này là nơi sông Phú Thọ đổ ra sông Trà Khúc rồi ra biển. Nhưng nay bị bồi lấp nghiêm trọng, có đoạn luồng lạch chỉ còn rộng hơn 5m khiến việc ra vào của tàu cá gặp rất nhiều khó khăn. 

“Hiện nay chỉ có những tàu cá công suất nhỏ, khai thác gần bờ mới vào mới có thể vào neo đậu tại khu vực sông Phú Thọ. Còn những tàu cá công suất lớn thì phải vào các cảng khác. Vào đây mắc cạn là mất tiền tỷ”, ngư dân Nguyễn Ái nói.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghĩa An Phạm Thị Công cho biết: Khi cửa sông, cửa biển chưa bị bồi lấp thì người dân xã Nghĩa An làm ăn rất hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian gần đây những tàu cá lớn không thể về địa phương neo đậu, bán hải sản. Chỉ có những tàu công suất dưới 300 CV mới vào được, nhưng cũng phải chờ lúc thủy triều lên. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch vụ hậu cần nghề cá của Nghĩa An gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị chế biến thủy hải sản phải đóng cửa do đói nguyên liệu.

“Chính quyền địa phương rất mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp nạo vét lòng sông để tạo thuận lợi cho việc lưu thông tàu thuyền cũng như tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động địa phương”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phạm Thị Công mong muốn.

Tương tự, tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, nhiều năm nay các tàu cá công suất lớn của ngư dân địa phương cũng không thể vào neo đậu, bán hải sản tại cửa biển Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh).

Nguyên nhân chủ yếu là do cửa biển bị bồi lấp, cảng neo đậu không đủ nơi neo trú và dịch vụ hậu cần nghề cá không đảm bảo so với những cảng cá khác.

Theo ngư dân Lê Chạy, phường Phổ Thạnh, nhiều năm nay sau mỗi chuyến biển tàu cá của anh thường vào các cảng cá ở tỉnh Bình Định bán hải sản, sau đó gửi tàu rồi các ngư dân mới về nhà thăm gia đình. Nếu muốn về cảng Sa Huỳnh thì phải neo đậu ngoài xa, sau đó thuê tàu có công suất nhỏ trung chuyển hải sản vào xuất bán. Việc này không chỉ khiến các tàu cá phải mất thêm nhiều chi phí mà tàu cá neo ngoài biển cũng rất nguy hiểm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ Trần Ngọc Sang cho hay, trên địa bàn thị xã Đức Phổ thì hiện nay ngoài cửa biển Sa Huỳnh, trên địa bàn còn có luồng lạch ra vào khu neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á, phường Phổ Quang cũng đang bị bồi lấp nghiêm trọng nhiều năm nay khiến các tàu cá công suất lớn không thể vào cảng.

“Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ đã có văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quan tâm, xem xét bố trí kinh phí để thực hiện việc nạo vét, khắc phục bồi lấp luồng lạch, cửa sông, cửa biển này.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, hiện có nhiều cửa sông, cửa biển bị bồi lấp, xói lở, khiến tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Chính vì vậy, việc nạo vét, thông luồng các cửa biển, để đảm bảo tàu thuyền ra vào neo đậu, tránh trú, cũng như phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá là hết sức cần thiết.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương để kiểm tra thực tế tình trạng bồi lấp, sạt lở tại các cửa sông, cửa biển, luồng lạch ra vào cảng cá, khu neo trú tàu thuyền. Tình trạng bồi lấp tại mỗi khu vực khác nhau. Cụ thể như tại Sa Huỳnh hay Cửa Đại, trước đây đã nhiều lần thực hiện nạo vét, nhưng chỉ sau một năm cát lại dạt vào bồi lấp như cũ.

“Sẽ có một quy luật lặp đi lặp lại là vào mùa mưa lũ, dòng chảy của sông, kết hợp với triều cường và dòng chảy đối lưu gần bờ sẽ tự mở toang cửa biển, khơi thông luồng lạch. Vào mùa biển lặng, sóng lại đưa cát vào bờ biển gây bồi lấp luồng lạch. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ lập phương án trình Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nạo vét vào mùa khô và việc này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục hằng năm”, ông Hùng cho hay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục