Cuba đón Hè sớm hơn 2 tháng

10:03' - 03/06/2024
BNEWS Người dân Cuba đang chuẩn bị đối mặt một mùa Hè đổ lửa, sau khi tháng 5 trôi qua với cái nóng thiêu đốt và ngột ngạt.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, mùa Hè đã gõ cửa đảo quốc Caribe này sớm hơn thường lệ gần hai tháng, nhiệt độ trung bình ban đêm lên tới 27 độ C, ban ngày vượt quá 35 độ C.

 

Nhiều nghiên cứu cho thấy tháng 5 vừa qua là tháng 5 nóng nhất tại Cuba kể từ năm 1951, thời điểm bắt đầu lưu trữ hồ sơ khí tượng địa phương.

Nhà khí tượng học Ramón Pérez nhận định khí hậu Cuba đang dần trở nên ấm hơn. Mùa Hè 2023 là mùa Hè nóng nhất trong lịch sử, và dự báo mùa Hè năm nay ở Cuba cũng sẽ ngột ngạt không kém, do hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Các chuyên gia Cuba cho rằng tần suất và cường độ ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cả trên đất liền và trên đại dương, là chỉ dấu cho thấy biến đổi khí hậu toàn cầu do con người gây ra đang gây ra những hiện tượng cực đoan.

Hiện tượng khí hậu El Niño bắt đầu suy yếu từ tháng 3 tiếp tục khiến nhiệt độ đất và nước biển trên toàn thế giới tăng cao trên mức trung bình. Điều này đã khiến Cuba, quốc gia nằm ở "giao lộ" đầy bão tố của Đại Tây Dương, Vịnh Mexico và Biển Caribe, đặc biệt phải đối mặt với một mùa bão được dự đoán là tồi tệ nhất trong lịch sử.

Viện Khí tượng Cuba (Insmet) khẳng định khả năng bão đổ bộ vào đảo quốc này trong năm nay lên tới 80%, trong khi các nhà khoa học Mỹ dự báo tới 7 cơn bão lớn có thể hình thành trong mùa bão bất thường năm nay.

Cái nóng ngột ngạt ở Cuba cùng những bất ổn trong hệ thống điện lưới quốc gia khiến cuộc sống của người dân nơi đây càng thêm khó khăn.  Tình trạng mất điện trên diện rộng và kéo dài đã quay trở lại trong thời gian gần đây. Đảo quốc Caribe này thường xuyên thâm hụt sản lượng điện, khiến dịch vụ bị gián đoạn trên khoảng 1/3 lãnh thổ.

Liên minh Điện lực Cuba (UNE) cho biết nhiều nhà máy điện của nước này đang gặp sự cố và thiếu nhiên liệu nhập khẩu. Mức thâm hụt sản lượng điện lên tới 38%, nhiều khu vực thường xuyên bị mất điện hơn 12 giờ/ngày. Tình hình trở nên tồi tệ hơn trong những tuần gần đây một phần do nhiệt độ cao lên tới 39 và 40 độ C ở một số địa phương khiến nhu cầu sử dụng điện tăng.

Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel cho biết tình trạng cắt điện kéo dài sẽ còn tiếp diễn trong tháng 6 vì hệ thống năng lượng đang được bảo trì để chuẩn bị cho tháng 7 và 8, thời điểm thường tiêu thụ nhiều điện nhất trong năm do nắng nóng cao độ. Theo ông Díaz-Canel, Cuba cần hơn 300 triệu USD mỗi năm để duy trì hệ thống năng lượng điện quốc gia, và chưa có nguồn lực sẵn có cho hoạt động này. Hệ thống điện đã cũ cộng với việc không được thường xuyên bảo trì bảo dưỡng dẫn đến việc các sự cố xảy ra thường xuyên hơn.

Bên cạnh đó, để sản xuất điện cần dầu diesel và dầu mazut, những loại nhiên liệu vốn không phải lúc nào cũng có sẵn trong nước.

Ông Díaz-Canel thừa nhận mất điện là “một trong những vấn đề ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống” của người dân Cuba, song đảm bảo rằng hiện tại chưa xảy ra vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống mà chỉ có một số sự cố cục bộ. Chủ tịch Cuba khẳng định tất cả các trạm thuộc 15 tổ máy ở 7 nhà máy nhiệt điện trên cả nước sẽ hoạt động vào tháng 7, giảm đảng kể tình trạng mất điện.

Để đối phó với tình trạng rất bấp bênh do thiếu nhiên liệu nhập khẩu và sự cố của các nhà máy nhiệt điện lạc hậu có tuổi đời hơn 4 thập kỷ, Cuba đang tìm cách thúc đẩy tiết kiệm và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, cả điện gió, quang điện và khí sinh học. Chiến lược phát triển quốc gia tới năm 2030 đang được triển khai tại Cuba đề ra một trong những nhiệm vụ then chốt là chuyển đổi cơ cấu điện năng theo hướng giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu và thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo có sẵn trong nước, tiến tới đạt 37% sản lượng điện từ thủy điện loại vừa và nhỏ, sinh khối, phong điện và điện Mặt Trời.

Với diện tích 110.000 km 2 trải dài trên một vùng biển Caribe đầy nắng, trung bình mỗi ngày Cuba thu nhận lượng bức xạ ánh sáng tương đương với nhiệt lượng của 50 triệu tấn dầu. Theo tính toán của các chuyên gia, nhiệt năng từ bức xạ Mặt Trời mà Cuba thu nhận trong một ngày còn lớn hơn tổng nhiệt năng mà quốc gia này tiêu thụ trong cả 5 năm theo tốc độ hiện tại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục