Cuba hướng tới mô hình kinh tế hiệu quả và năng suất hơn

06:30' - 24/01/2018
BNEWS Kỳ vọng thay đổi với người cầm lái đất nước thế hệ sau cách mạng mang đủ sắc thái, từ bi quan tới lạc quan; từ vĩ mô dài hạn tới giải quyết khó khăn trước mắt, tuy nhiên đa số tập trung vào kinh tế.
Chủ tịch Cuba Raul Castrol. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bình luận của trang mạng IPS, nghị trình chính trị của Cuba trong năm 2018 có thể mang tính bước ngoặt này sẽ bắt đầu bằng cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 3 tới, sau đó là việc ra mắt Chủ tịch mới vào tháng 4, nhân vật được người dân kỳ vọng sẽ tiến hành những cải cách mạnh mẽ hơn, hướng tới một mô hình kinh tế hiệu quả, năng suất và hợp lý hơn.

Cụ thể là việc xây dựng một mô hình sản xuất thực sự hiệu quả, cải thiện và tái phân chia thu nhập phù hợp hơn, cởi mở hơn đối với các hình thái làm kinh tế mới, xóa bỏ chế độ hai đồng tiền và đa tỷ giá, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Trung thành với lời hứa không chờ đợi điều chỉnh Hiến pháp và từ bỏ cương vị lãnh đạo chính phủ sau khi hết nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2, Chủ tịch Raúl Castro đã nhấn mạnh trong bài phát biểu cuối cùng trong năm 2017 rằng vào ngày 19/4 tới, Cuba sẽ có một Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng mới.

Còn trước khi cột mốc này diễn ra, Cuba sẽ phải tiến hành cuộc tổng tuyển cử bầu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và sau đó là Quốc hội (đơn viện) - cơ quan Nhà nước có quyền lực tối cao và duy nhất có quyền định hiến và lập pháp.

Trước mắt, ứng cử viên kế nhiệm rõ ràng nhất là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Miguel Díaz-Canel, người vẫn thường được các kênh chính thống đề cập tới như “chính trị gia Cuba ra đời sau Cách mạng có chức vụ cao nhất trong chính phủ”.

Ngoài ra, cựu Bí thư Tỉnh ủy Villa Clara, 57 tuổi, cũng là Ủy viên Bộ Chính trị từ năm 2003; thời điểm đó, khi đề cử ông Villa Clara vào cương vị này trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Raúl Castro đã nhấn mạnh đến “tính kiên định và tư duy hệ thống trong công việc”, “tinh thần tự phê bình và tiếp xúc thường xuyên với quần chúng”, “ý thức đề cao tập thể và nghiêm túc với cấp dưới” cùng “bản lĩnh tư tưởng vững vàng” của ông này. 

Theo các số liệu chính thức, Cuba khép lại năm 2017 với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 1,6%, trên mức ước tính 0,5% mà Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) đưa ra, cho dù ngay cả con số này cũng không đủ cho nhu cầu phát triển của đất nước.

Kết quả này có thể là chưa mỹ mãn, nhưng có thể coi là thành tựu trong bối cảnh hạn chế tài chính, thiếu hụt nhiên liệu, hậu quả của tình trạng hạn hán kéo dài hơn 3 năm và những “ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng do cơn bão Irma gây ra”, như lời tổng kết của Chủ tịch Raúl Castro trước Quốc hội, trong phiên họp ngày 21/12/2017.

Khắc phục  hậu quả của siêu bão Irma, đổ bộ vào 11/15 tỉnh thành của Cuba từ ngày 8-10/9 vừa qua và gây thiệt hại lên tới 13 tỷ USD - theo tiết lộ của một số nguồn tin từ Chính phủ Cuba nhưng chưa được thông báo chính thức - là một trong những ưu tiên của năm 2018. Tình trạng hư hỏng một phần hay toàn bộ của 179.000 ngôi nhà sẽ làm trầm trọng thêm đáng kể tình trạng thiếu chỗ ở hiện tại.

Tính tới giữa năm 2017, "căn bệnh" thiếu chỗ ở “kinh niên” của Cuba đã trở nên khá nghiêm trọng khi thiếu tới 883.050 chỗ ở; và đây tiếp tục được coi là vấn đề xã hội trầm trọng nhất, thường xuyên bị làm tồi tệ đi do những cơn bão và hoàn cảnh thiếu thốn khiến nhiều gia đình không thể tránh được việc chỗ ở xuống cấp.

Trong số nhiều thách thức mà người kế vị Chủ tịch Raúl Castro phải đối phó, vấn đề phức tạp nhất mà “giải pháp không thể kéo dài thêm được nữa” - như lời nhận định của chính nhà lãnh đạo này - là hệ thống hai đồng tiền đa tỷ giá vẫn đang bóp méo nền kinh tế và mọi số thống kê của Cuba.

Việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, tuy vậy, đã bị trì hoãn nhiều lần từ vài năm qua do những tác động lớn có thể có lên xã hội và nền kinh tế - đặc biệt là bộ phận doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh những phức tạp về mặt kỹ thuật.

Một thách thức lớn không kém là tăng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy tiến trình cải cách nói chung. Các quan chức chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đảo quốc Caribe này cần luồng vốn đầu tư mỗi năm ở mức 2,5 tỷ USD để đảm bảo tốc độ và chất lượng phát triển, nhưng những rào cản từ bộ máy quan liêu nội bộ, chứ không chỉ do cuộc bao vây cấm vận của Mỹ, đã làm nản lòng nhiều nhà đầu tư và khiến con số đạt được chỉ xấp xỉ 1/3 mục tiêu đã đề ra ở trên.

Như nhận định của cây bút bình luận người Cuba José Gómez Barata trên nhật báo Por Esto (Mexico): “Những nhà lãnh đạo sắp ra mắt sẽ phải chứng minh được năng lực của mình, tạo ra những đồng thuận mới, xây dựng hình ảnh lãnh đạo của riêng thế hệ mình và tạo ra những thành tựu trong những bối cảnh mới”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục