Cuộc cạnh tranh khốc liệt tìm kiếm nguồn cung vật tư y tế

05:00' - 10/04/2020
BNEWS Trên khắp thế giới, giờ là lúc để các đối tác làm ăn đàm phán trực tiếp, thị trường không còn luật lệ mà chỉ còn là sự thỏa thuận giữa bên bán và bên mua.
Bác sĩ chuyển thiết bị y tế tới bệnh viện tại New York, Mỹ ngày 6/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Việc đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên diện rộng đã gây ra tình trạng khan hiếm vật tư y tế nghiêm trọng, đặc biệt là máy thở, khẩu trang y tế và các bộ xét nghiệm, đồng thời tạo ra một cuộc cạnh tranh chưa từng có giữa các quốc gia cũng như giữa những người mua là các tổ chức nhà nước ở mỗi quốc gia, chẳng hạn như thành phố hoặc bệnh viện. 

Thực tế cho thấy, khi mọi quốc gia đang “khát hàng” thì vấn đề về tính minh bạch trong đấu thầu, thời hạn quá chậm hay thủ tục quá cứng nhắc không còn là vấn đề trọng tâm.

Những vấn đề này thực ra đã được nhấn mạnh trong một hội thảo trực tuyến diễn ra cuối tháng Ba vừa qua với chủ đề "Hợp đồng nhà nước và dịch COVID-19", gồm tập hợp các chuyên gia trong lĩnh vực mua sắm công khai đến từ một số quốc gia, dưới sự điều hành của Giáo sư Christopher R. Yukins (Đại học George Washington) và Gabriella Racca (Đại học Torino). 

Những người tham gia đã mô tả một cuộc đua thực sự cho các lô hàng vật tư bệnh viện, đặc biệt thông qua các trang web đấu giá trực tuyến mà ở đó con buôn cũng như những khách hàng lớn sẵn sàng nhảy vào “giành giật” các đơn hàng do doanh nghiệp đăng bán. 

Rõ ràng, cuộc cạnh tranh khốc liệt đã khiến logic của hoạt động mua bán hàng hóa công khai bị đảo ngược: Bên bán thấy mình ở vị trí thống trị để cố định giá và bên mua cạnh tranh với nhau. Giá cả tăng vọt, việc mua hàng phải được phê duyệt rất nhanh, bỏ qua các cơ chế phê duyệt hành chính truyền thống. 

Khi cuộc khủng hoảng y tế xuất hiện, các đơn đặt hàng công khai được ký kết từ vài tuần trước đó có thể sẽ không còn được thực hiện bởi bên bán tìm thấy bên mua mới sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều. Ngoài ra, bên mua cũng sẽ xoay sở bằng mọi cách để có được nguồn cung từ các quốc gia khác khi hoạt động sản xuất trong nước của họ không đủ hoặc thậm chí không tồn tại.  

Tình trạng quá nóng của nhu cầu quốc gia hoặc quốc tế trở nên trầm trọng hơn do sự gia tăng của các trung gian đầu cơ. Một số bên trung gian đã tranh thủ đổ xô đến Trung Quốc, nơi các nhà máy đang bắt đầu trở lại hoạt động, để “vơ vét” các kho hàng với mục đích bán lại với giá cao hơn đáng kể, thậm chí không kiểm tra xem liệu các lô hàng sản xuất ở thời điểm đỉnh cao của cuộc khủng hoảng y tế có đáp ứng các tiêu chuẩn của các quốc gia mua hàng không. 

Chính sự gián đoạn hàng hóa, hay đúng hơn là sự đổi hướng nguồn cung, được khuếch đại bởi chính sách của một số quốc gia khi những nước này tiến hành việc bắt giữ các sản phẩm mà nhiều quốc gia đang thèm khát. 

Theo đánh giá của giới quan sát, thiệt hại gây ra từ những hành vi này trong chuỗi cung ứng vật tư y tế thiết yếu đang được cảm nhận. Điều này gây nguy hiểm cho nhân viên y tế ở tuyến đầu khi đối mặt với sự lây lan của dịch bệnh, tâm lý bực tức khi giao hàng chậm, xáo trộn ở các nước nghèo khi không được tiếp cận các nguồn cung cấp quan trọng, đồng thời còn gây ra tình trạng thâm hụt tài khóa, gia tăng vấn nạn tham nhũng và hoạt động mafia. 

Để giải quyết sự rối loạn các chuỗi cung ứng cần tính toán đến khả năng thiết lập nhanh chóng một sự điều tiết toàn cầu về các nguồn cung cấp vật tư y tế thiết yếu thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thông qua hạn ngạch khi mà những “nhân vật chủ chốt” trên thế giới vẫn bất chấp điều này.

Ngoài ra, cũng cần coi trọng các công cụ kỹ thuật số nhằm gia tăng tính minh bạch bằng cách cho phép công khai các hoạt động, tạo điều kiện cho các giao dịch trực tuyến, giám sát hậu cần của việc giao hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục