Cuộc cạnh tranh mới trên thị trường bán lẻ Hàn Quốc

09:38' - 24/04/2025
BNEWS Các nền tảng thương mại điện tử, siêu thị lớn, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc đã tăng cường đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm tươi sống.

Sự tham gia mạnh mẽ của các nền tảng thương mại đã khiến cuộc cạnh tranh về tích hợp chuỗi cung ứng, hệ thống logistics và khả năng cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá là đang trở thành động lực tăng trưởng mới của ngành phân phối tại Hàn Quốc.

 

Theo tin tức từ ngành phân phối công bố ngày 23/4, "gã khổng lồ" thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang gần đây đã đẩy nhanh việc bố trí mảng kinh doanh thực phẩm tươi sống. Coupang không chỉ tiếp tục mở rộng các dòng sản phẩm cao cấp mà còn tăng đáng kể tỷ lệ mua hàng trực tiếp từ nguồn nông sản. Nhằm mở rộng hoạt động thu mua nông sản địa phương, Coupang đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với chính quyền địa phương như huyện Geumsan (tỉnh Chungnam), huyện Namhae (tỉnh Gyeongnam) và huyện Seongju (tỉnh Gyeongbuk) để tăng cường hơn nữa hệ thống cung ứng trực tiếp từ nơi sản xuất.

Kể từ khi ra mắt dịch vụ thực phẩm tươi sống vào năm 2019, Coupang đã tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh liên quan, với tốc độ tăng trưởng đáng kể sau khi dịch bệnh bùng phát. Coupang tận dụng mạng lưới giao hàng “Rocket Delivery: trên toàn quốc để cung cấp dịch vụ giao hàng vào sáng hôm sau cho các trái cây được thu hoạch 1 ngày trước đó. Qua đó, quy mô thu mua trong năm 2024 đã tăng hơn 3 lần so với năm 2021, cho thấy đà phát triển mạnh mẽ.

Naver và Kurly cũng chuẩn bị cạnh tranh với Coupang bằng cách hình thành quan hệ đối tác kinh doanh chiến lược trong lĩnh vực thực phẩm tươi sống.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, Kurly dự kiến sẽ tham gia vào cửa hàng online “Naver Plus Store” trong năm nay. Trong đó, người dùng có thể đặt hàng trước 11 giờ đêm và nhận hàng thông qua dịch vụ giao hàng vào sáng sớm hôm sau (trước 7 giờ). Naver sẽ tận dụng cơ hội này để khắc phục những điểm yếu của mình trong lĩnh vực thực phẩm tươi sống, trong khi Kurly sẽ sử dụng nền tảng mới để mở rộng kênh bán hàng. Cả hai bên đều lấy việc thu hút người dùng mới làm mục tiêu chính.

SSG.com, nền tảng thương mại điện tử thuộc Tập đoàn Shinsegae, dựa vào lợi thế sản phẩm của công ty mẹ E-Mart để xây dựng cơ cấu sản phẩm tập trung vào thực phẩm tươi sống. Một mặt, danh mục thực phẩm cao cấp như "Food Hall" được mở rộng, mặt khác, dịch vụ giao hàng vào sáng sớm vốn ban đầu chỉ giới hạn ở khu vực vùng thủ đô (Seoul, Incheon, Gyeonggi) đã được mở rộng đến các thành phố lớn như Chungcheong, Busan, Daegu và Gwangju, cải thiện toàn diện phạm vi giao hàng.

Thị trường thực phẩm tươi sống trực tuyến đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, với các giao dịch trực tuyến các mặt hàng nông sản, chăn nuôi và thủy sản đạt 12,83 nghìn tỷ won vào năm 2024, tăng gấp 3,4 lần so với mức 3,72 nghìn tỷ won vào năm 2019. Mặc dù thị trường bán lẻ nói chung bị thu hẹp do lạm phát và lãi suất cao, doanh số bán sản phẩm tươi sống trực tuyến đã tăng 17,2% trong năm 2024. Các chuyên gia nhận định rằng tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này còn rất lớn do tỷ lệ thâm nhập trực tuyến đối với thực phẩm mới chỉ ở mức 26,2%, thấp hơn nhiều so với mức 38,0% của đồ điện tử và 44,7% của thời trang.

Đối mặt với sự tấn công của thương mại điện tử, các cơ sở bán hàng ngoại tuyến cũng đang đẩy nhanh các phương án đối phó. Các siêu thị lớn như E-Mart, Lotte Mart và Homeplus đang mở rộng các cửa hàng chuyên biệt dành 80-90% diện tích sàn cho các sản phẩm thực phẩm.

Đồng thời, các trung tâm thương mại như Lotte và Shinsegae đã tạo ra sự cạnh tranh khác biệt bằng cách xây dựng các khu ẩm thực cao cấp, sử dụng các cửa hàng ngoại tuyến để thu hút lượng khách hàng trực tuyến và đẩy nhanh chiến lược tích hợp trực tuyến và ngoại tuyến.

E-Mart gần đây đã ra mắt dịch vụ "Đặt hàng tận nhà", cung cấp nguồn hàng hóa đã được chứng nhận trực tiếp từ nơi xuất phát thông qua ứng dụng riêng (App) với hơn 3 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Trong khi Lotte Mart đã hợp tác với công ty công nghệ bán lẻ Ocado của Anh để ra mắt ứng dụng thực phẩm tươi sống chuyên dụng "Lotte Mart ZETTA", chính thức gia nhập thị trường thực phẩm tươi sống trực tuyến.

Giới chuyên môn nhận định rằng thực phẩm tươi sống là một lĩnh vực mà cả kênh bán lẻ trực tuyến và ngoại tuyến đều không thể để mất. Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao, lĩnh vực thực phẩm tươi sống sẽ trở thành cốt lõi của cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục