Cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu mới đã bắt đầu

05:30' - 08/08/2024
BNEWS Cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu mới đã bắt đầu. Tuy nhiên, lần này chiến trường không diễn ra ở Trung Quốc hay tại thế giới phương Tây giàu có, mà là ở các nền kinh tế Nam Toàn cầu.
Theo tờ ‘The Economist’, các công ty Trung Quốc trong hầu khắp các ngành công nghiệp, từ ô tô đến quần áo, đang mở rộng ra nước ngoài với tốc độ đáng kinh ngạc. Tình huống này khiến những công ty đa quốc gia, vốn là “người thống trị” trên phần lớn các thị trường trong nhiều năm qua lo ngại, với nhiều hàng rào bảo hộ bắt đầu được tính toán đến.

Và cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu mới đã bắt đầu. Tuy nhiên, lần này chiến trường không diễn ra ở Trung Quốc hay tại thế giới phương Tây giàu có, mà là ở các nền kinh tế Nam Toàn cầu (các nước ở châu Phi, Mỹ Latinh và khu vực đang phát triển của châu Á).

Việc mở rộng kinh doanh của Trung Quốc diễn ra theo hai hình thức. Một là thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu. Những khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài mới của các công ty Trung Quốc đã tăng gấp ba lần vào năm 2023, lên 160 tỷ USD.

Phần lớn số tiền đó được chi cho việc xây dựng các cơ sở sản xuất tại các nước đang phát triển từ Malaysia đến Morocco. Trên thực tế, các công ty Trung Quốc cũng đang theo đuổi một thị trường 5 tỷ người tiêu dùng sống ở các nước đang phát triển, nhưng điều này ít được chú ý hơn.

 
Từ năm 2016, các công ty Trung Quốc niêm yết đã tăng gấp bốn lần doanh số bán hàng tại các nước Nam Toàn cầu, lên 800 tỷ USD. Sản lượng hàng bán ra của các công ty Trung Quốc nhiều hơn so với các nước phát triển. Điều này khiến phương Tây cảnh giác và việc cố gắng đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ mang lại những bài học khó khăn.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang hướng ra nước ngoài một phần vì tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Chính làn sóng tiến ra thế giới của các doanh nghiệp Trung Quốc làm suy yếu sự thống trị của các công ty đa quốc gia ở khắp mọi nơi, từ Indonesia đến Nigeria.

Transsion là công ty điện tử của Trung Quốc chiếm thị phần sản xuất một nửa số điện thoại thông minh mà người châu Phi sử dụng. Còn Mindray, một công ty Trung Quốc khác, là nhà cung cấp hàng đầu các hệ thống theo dõi bệnh nhân tại Mỹ Latinh.

Trong khi đó, các nhà sản xuất xe điện (EV) và tua-bin gió của Trung Quốc đang tiến sang các nước đang phát triển, tương tự như sự mở rộng của nền tảng chia sẻ thương mại điện tử TikTok – công ty con của tập đoàn công nghệ nổi tiếng Trung Quốc Baidu.

Khi các nước giàu dựng lên một loạt rào cản thương mại để ngăn chặn “sự đổ bộ” của hàng hóa Trung Quốc, như tấm pin năng lượng Mặt Trời và xe điện, một số công ty Trung Quốc đã chuyển sản xuất sang các nước Nam Toàn cầu.

Con đường của các công ty Trung Quốc đã được tạo điều kiện thuận lợi nhờ những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm xây dựng quan hệ ngoại giao với các nước Nam Toàn cầu, đặc biệt là bằng cách tạo điều kiện cho khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trong khi phương Tây hướng nội, Trung Quốc và các nước mới nổi khác của thế giới đã xích lại gần nhau hơn.

Vào thời điểm toàn cầu hóa có xu hướng bị thu hẹp, những gì đang diễn ra mang lại một bài học quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách rằng thương mại có thể mang lại những lợi ích phi thường. Cuộc sống của hàng tỷ người sẽ được cải thiện nhờ sự lựa chọn rộng rãi hơn về hàng hóa giá rẻ, sáng tạo và xanh.

Những chiếc điện thoại thông minh trị giá 100 USD của Transsion đang mang đến cho những người nghèo nhất thế giới mọi kiến thức và dịch vụ mà Internet cung cấp. Các thiết bị y tế với giá cả phải chăng sẽ cứu sống vô số sinh mạng.

Trong khi đó, các công nghệ thân thiện với môi trường giá rẻ giúp các nước đang phát triển có thêm khả năng kiểm soát lượng khí thải nhà kính, ngay cả khi họ giàu có hơn và dân số tăng lên...

Quan niệm cho rằng các thương hiệu Trung Quốc không có sức hấp dẫn toàn cầu đã bị phá vỡ bởi các công ty như Shein - một doanh nghiệp thương mại điện tử chuyên về thời trang nhanh. Doanh số bán hàng của các công ty Trung Quốc tại các nước Nam Toàn cầu đã vượt qua các công ty đa quốc gia của Nhật Bản. Theo xu hướng hiện tại, họ sẽ sớm vượt qua các công ty châu Âu và ngang bằng với các công ty Mỹ vào năm 2030.

Đối với các chính phủ Nam Toàn cầu, sự đa dạng hóa cạnh tranh quốc tế sẽ mang lại cơ hội để các nhà hoạch định chính sách quốc gia giúp người tiêu dùng nội địa cải thiện chi tiêu, tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới, cạnh tranh. Nhưng để làm được như vậy, họ sẽ cần phải cân bằng giữa chủ nghĩa bảo hộ và thái độ thụ động.

Giống như ở phương Tây, các ngành công nghiệp địa phương tại các nước Nam Toàn cầu cạnh tranh với các công ty Trung Quốc sẽ viện dẫn lý do hàng hóa Trung Quốc thường nhận được trợ cấp từ chính phủ và tìm kiếm sự bảo vệ đặc biệt trong nước.

Brazil đã áp dụng thuế quan đối với xe điện Trung Quốc và một số mặt hàng xuất khẩu của cường quốc châu Á cũng đang đối mặt với hành động áp thuế tại Indonesia.

Nền kinh tế thế giới đang chuyển động mạnh mẽ. Các công ty đa quốc gia phương Tây từ lâu đã là động lực chính thúc đẩy thương mại và đầu tư xuyên biên giới, để trở thành một trong những bên hưởng lợi lớn nhất. Nhưng ngày nay, vị trí của họ tại những thị trường đông dân và phát triển nhanh nhất thế giới đang dần được thay thế bởi các công ty Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục