“Cuộc chiến” chống lạm phát của Fed thêm khó khăn

15:34' - 12/05/2022
BNEWS Theo giới quan sát, sức mạnh tài chính của các hộ gia đình Mỹ đã hạn chế thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.

Nhưng giờ đây, yếu tố này có thể khiến "cuộc chiến" chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thêm khó khăn và kéo dài hơn, khi ngân hàng trung ương này muốn chờ đợi thời điểm người dân hết khả năng chi tiêu mạnh như hiện tại.

 

Sức mạnh chi tiêu chưa có dấu hiệu suy giảm
Sự sụt giảm gần đây trên thị trường chứng khoán - một nguồn tài sản của hộ gia đình ngày một mở rộng tầm ảnh hưởng - có thể giúp “hạ nhiệt” hoạt động tiêu dùng.

Tuy nhiên, các báo cáo công bố trong tuần này về nợ hộ gia đình, điều kiện tài chính và lạm phát không cho thấy sức khỏe tiêu dùng Mỹ tiến gần hơn tới “điểm nguy kịch”.
Số liệu từ chi nhánh Fed tại New York hôm 10/4 cho thấy mặc dù nợ hộ gia đình đã tăng lên mức kỷ lục khác trong quý I/2022, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy tài chính của các hộ gia đình đang bị kéo căng quá mức.
Chi nhánh Fed tại New York cho hay số hộ gia đình trong giai đoạn đầu của tình trạng nợ quá hạn đã tăng nhẹ, nhưng mức độ này vẫn rất thấp theo tiêu chuẩn lịch sử.

Hơn nữa, những số liệu cho thấy mức độ căng thẳng về nợ đáng kể hơn - chẳng hạn như số gia đinh tuyên bố phá sản mới hoặc đang đối mặt với thủ tục đòi nợ - đang ở mức thấp nhất kể từ khi Fed bắt đầu thu thập dữ liệu loại này vào năm 1999.
Trong khi tổng sản lượng của kinh tế Mỹ giảm trong quý đầu tiên - phần lớn là do các yếu tố kỹ thuật liên quan đến quản lý hàng tồn kho của các doanh nghiệp - có rất ít dấu hiệu cho thấy sự suy giảm hoạt động, cụ thể là ở cấp độ người tiêu dùng.
Đánh giá nhanh mới nhất của ngân hàng Bank of America (Mỹ) về chi tiêu và sức khỏe tài chính của người tiêu dùng từ cơ sở dữ liệu của họ về 67 triệu khách hàng tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ cho thấy đà tăng số tiền chi tiêu bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đang vượt quá lạm phát.

Chi tiêu qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đã tăng 13% trong tháng Tư so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi tiêu bằng thẻ tổng thể cho mỗi hộ gia đình cao hơn 23,7% so với mức trước đại dịch.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay lạm phát đang "cao không thể chấp nhận được" trong một tuyên bố hôm thứ Tư, đồng thời cho biết Fed đóng "vai trò chủ chốt" trong việc làm chậm tốc độ tăng giá.

Áp lực từ người tiêu dùng, doanh nghiệp và các quan chức rõ ràng đang tăng lên đối với việc Fed phải ghi nhận sự tiến bộ trong một "cuộc chiến" mà ông Powell cảnh báo vào tuần trước là “sẽ rất khó chịu”.
Số liệu lạm phát tháng 4/2022 do Bộ Lao động Mỹ công bố 11/5 đã “giải nguy” cho Fed phần nào. Giống như dự báo của thị trường, tăng trưởng giá tiêu dùng nói chung đã giảm đáng kể so với mức cao nhất kể từ năm 2005 ghi nhận hồi tháng Ba, song không nhiều như dự kiến. Và đáng chú ý là những dấu hiệu mới về áp lực lạm phát đang gia tăng nhanh chóng trong các lĩnh vực chủ chốt như chi phí thuê nhà và du lịch.
Các quan chức còn có thể hưởng lợi phần nào từ số liệu lạm phát và báo cáo việc làm của tháng Năm, trước cuộc họp giữa tháng 6/2022 - thời điểm họ dự kiến công bố dự báo chung của các nhà hoạch định chính sách về lãi suất và triển vọng lạm phát.

Hy vọng của Fed

Fed đã nâng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm vào tuần trước, đưa lãi suất chủ chốt lên ngưỡng 0,75 – 1%. Chủ tịch Jerome Powell cũng báo hiệu về những đợt tăng tương tự tại các cuộc họp sắp tới vào tháng Sáu và tháng Bảy, khi các quan chức Fed cam kết sẽ "khẩn trương" hành động để chống lại lạm phát.

Việc lạm phát của Mỹ tiếp tục duy trì mức tăng cao đủ để kích thích thị trường định giá cao hơn vào khả năng xảy ra các hành động thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa.
Fed đã tăng lãi suất với hy vọng có thể kiềm chế nhu cầu "dư thừa" và làm chậm lạm phát mà không nhất thiết buộc nền kinh tế phải thực sự giảm tốc tăng trưởng, điều thường xảy ra sau khi ngân hàng trung ương này thắt chặt tín dụng.
Một số nhà hoạch định chính sách của Fed đã lưu ý rằng họ đang theo dõi bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình để đánh giá xem người Mỹ có thể sử dụng thoải mái tiền mặt trong bao lâu nữa.
Nhưng Chủ tịch chi nhánh Fed tại Atlanta Raphael Bostic cho biết những nỗ lực điều chỉnh lãi suất của ngân hàng trung ương này chưa mang lại kết quả mong muốn, vì nhu cầu vẫn còn rất mạnh.
Song ông Bostic vẫn hy vọng nhu cầu có thể giảm nhanh khi các gia đình điều chỉnh chi tiêu theo giá cao hơn. Đồng thời, tài sản của họ sẽ bị tác động bởi những thay đổi "cực kỳ nhanh và cực kỳ mạnh mẽ" trên thị trường tài chính trong giai đoạn gần đây, khi cả thị trường chứng khoán và trái phiếu đồng loạt giảm.
Giữa lúc sức mạnh tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể khiến Fed khó tác động đến hành vi chi tiêu của nhóm này hơn, việc các hộ gia đình tiếp xúc nhiều hơn với thị trường đầu tư có thể thúc đẩy "hiệu ứng giàu có" của chính sách tiền tệ khi giá trị tài sản thấp hơn dẫn tới tiêu dùng giảm đi cùng những quyết định chi tiêu thận trọng hơn.
Ông Roger Aliaga-Diaz, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Mỹ của hãng đầu tư Vanguard, cho biết ngày càng nhiều ý kiến cho rằng giá tài sản ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của người tiêu dùng.

Chuyên gia này ước tính rằng khối tài sản hàng nghìn tỷ USD đã bị xóa sổ trong những tuần gần đây do biến động của thị trường tài chính có thể đã khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ thiệt hại 1 điểm phần trăm – điều Fed có thể đã tính đến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục