Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: “Lượt chơi” dạo đầu? (Phần 1)

05:30' - 02/08/2018
BNEWS Mỹ và Trung Quốc đã bước vào “lượt chơi” dạo đầu của cuộc chiến thương mại. Câu hỏi “Ai là người thắng, kẻ thua” trong cuộc “so găng” này đang được giới chuyên gia đưa ra thảo luận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Chia sẻ với CNBC ngày 12/7, nhà kinh tế học Stephen Roach, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Đại học Yale cho rằng các cuộc chiến thương mại không dễ thắng mà dễ thua và Mỹ đang trên đà thua trong cuộc chiến này. 
Học giả kinh tế từng là chủ tịch Morgan Stanley khu vực châu Á đã ví cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay như một “kho đạn sống”, không còn là một cuộc đàm phán với ngôn từ đao to búa lớn.
Trong khi đó, các nhà kinh tế hàng đầu khác lại không đồng tình với nhận định của Roach. Trong đó phải kể đến Mohamed El-Erian, cố vấn trưởng về kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính châu Âu Allianz khi cho rằng Mỹ vẫn có vị thế mạnh hơn Trung Quốc.
Tác động đối với Trung Quốc từ cuộc chiến kinh tế mà Mỹ phát động là khá rõ ràng, nhất là khi Mỹ ra lệnh cấm các doanh nghiệp của Mỹ bán sản phẩm và dịch vụ cho Tập đoàn viễn thông đa quốc gia ZTE vào tháng 4 vừa qua, một động thái đẩy ông lớn trong ngành viễn thông tới bờ vực sụp đổ do nguồn cung linh kiện và chip điện tử bị cắt đứt. 
Nhận thức được điểm yếu này, Bắc Kinh đang tìm cách tự phát triển ngành công nghệ chip điện tử. Nước này đã đầu tư khoảng 150 tỷ USD cho kế hoạch này trong khuôn khổ các chương trình của sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.
Về phần mình, Mỹ thực tế bước vào cuộc chiến thương mại với một vị thế khá mạnh mẽ. Nền kinh tế hàng đầu thế giới đang có những bước phát triển nhanh, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng giảm và thu nhập tăng cao. 
Đó là lý do mà ở thời điểm hiện tại Chính quyền Trump không phải lo lắng quá nhiều. Những diễn biến tích cực của nền kinh tế cũng là một trong nhiều yếu tố được người ta đánh giá là lợi thế cho ông Trump và đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Trung Quốc sẽ “cạn đạn” trong cuộc chiến này, Roach lập luận. Chuyên gia này giải thích Mỹ phụ thuộc lớn vào Trung Quốc như một nguồn cung cấp hàng giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Ngoài ra, Washington cũng phụ thuộc không nhỏ vào Trung Quốc để nước này mua trái phiếu của Mỹ nhằm ngăn chặn thâm hụt ngân sách, vốn đang ngày một phình to.
Bàn về “người thắng, kẻ thua” trong cuộc chiến này, tạp chí The Diplomat trích nhận định của Gary Hufbauer, nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng cả hai bên sẽ đều thua trong một cuộc chiến thương mại toàn diện. 

Cuộc chiến kiểu này sẽ làm "bốc hơi" 1/3 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, khoảng 200 tỷ USD mỗi năm. Rốt cục, Bắc Kinh sẽ phải tìm kiếm các thị trường mới và thiết kế các sản phẩm mới tiết kiệm nguyên liệu. 
Nhiều quan chức trong chính quyền Trump xem đây là cơ hội để bảo đảm vị trí dẫn đầu trong bối cảnh Trung Quốc đang thúc đẩy một chính sách công nghiệp mới với sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”. Trung Quốc không che giấu mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực này. 
Trong khi đó, Washington nhiều lần cho rằng Trung Quốc đang lừa dối Mỹ bằng việc thâu tóm bất hợp pháp các công nghệ trị giá tới hàng trăm tỷ USD và bóp méo các sân chơi trong nước để tạo nên thế cạnh tranh thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc được cho là gây ra tổn hại kinh tế đủ để buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải nhượng bộ trước những gì Tổng thống Trump muốn - dù đó là yêu cầu gì chăng nữa. 
Tuy nhiên, ông Trump có thể nhận thấy một “mối quan hệ nghịch đảo” giữa sức ép và hợp tác với Trung Quốc. Thay vì khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải phục tùng, các khoản thuế bổ sung có thể khiến họ trở nên quyết tâm hơn.
Các động thái mới đây dường như chỉ là “show truyền hình thực tế” trước thềm các cuộc bầu cử giữa kỳ để khiến ông Trump tỏ ra cứng rắn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng cho thấy quan điểm sai lầm - và hoàn toàn không hiểu gì - về Trung Quốc hiện đại. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục