Cuộc đua hút khách quốc tế

08:16' - 15/07/2023
BNEWS Từ nay đến cuối năm thị trường khách du lịch quốc tế nói chung còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhất là vào mùa cao điểm cuối năm.

Nhằm thu hút du khách quốc tế, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đây được xem là cơ hội, động lực để ngành du lịch bứt tốc hoàn thành và vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, góp phần đẩy nhanh phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội lữ hành Việt Nam cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2023 là sự kiện lớn với ngành du lịch.

Theo đó, nhiều chính sách visa mới tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp trong thu hút khách quốc tế - đối tượng khách mang lại nguồn thu du lịch cao. Nổi bật là thời hạn thị thực điện tử (e-visa) được nâng từ 30 lên 90 ngày. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày, người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Ông Phùng Quang Thắng cho rằng đây được xem "cú hích" cực mạnh giúp ngành du lịch tăng tốc trong cuộc đua hút khách quốc tế.

Đại diện các công ty lữ hành cho rằng, việc chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2023 là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá tới các thị trường mục tiêu ngay trong mùa cao điểm Thu - Đông năm nay, từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024. Chính sách nới lỏng thị thực điện tử giúp ngành du lịch  xây dựng sản phẩm liên tuyến, phù hợp. Hiện nay, khách châu Âu, châu Mỹ đi du lịch không chỉ đến Việt Nam rồi về mà còn đi du lịch các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia…

Việc cải thiện chính sách thị thực không chỉ cho thấy Việt Nam thích ứng, linh hoạt trong cuộc đua phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, mà còn là nền tảng để các doanh nghiệp du lịch xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch cần thời gian dài như: sản phẩm nghỉ dưỡng dành cho người già, du lịch gắn với khám chữa bệnh, du lịch gắn với hoạt động nghiên cứu...

 

Giám đốc Công ty du lịch Sunsmile Travel Dương Thanh Hằng cho biết, hiện nay những chương trình tour kết nối Việt Nam với các nước đã có sẵn, chỉ cần bổ sung áp dụng thêm các chính sách mới về xuất nhập cảnh. Với quy định mới, không những lượng khách du lịch sẽ tăng mà đối tượng khách đến Việt Nam xúc tiến đầu tư, làm việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Bên cạnh việc gia hạn thời hạn visa, Nghị quyết số 82/NQ-CP ban hành ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững của Chính phủ ra đời, tiếp tục là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đang tham mưu giúp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch hành động triển khai nghị quyết này.

Theo ông Vũ Thế Bình- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội đã vận động các doanh nghiệp triển khai Nghị quyết này, theo đó, tập trung điều chỉnh lại thị trường, xây dựng các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động của ngành, triển khai xúc tiến du lịch, đặc biệt là đi vào các nhánh sản phẩm cụ thể, thích ứng với thị trường, nhằm thu hút khách quốc tế.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hà Văn Siêu dự báo, từ nay đến cuối năm thị trường khách du lịch quốc tế nói chung còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhất là vào mùa cao điểm cuối năm.

Ông Hà Văn Siêu đánh giá, động lực lớn để hút khách quốc tế là các chính sách tạo thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh chính thức có hiệu lực từ 15/8. Do đó, khả năng cao ngành du lịch sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm nay.

Để hoàn thành mục tiêu này, trong năm 2023, toàn ngành du lịch tập trung vào việc công bố Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng triển khai Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, đề án ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Đề án Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam.

Trước mắt, để thu hút khách du lịch từ nay đến cuối năm, các địa phương, doanh nghiệp đã lên các kế hoạch, tour du lịch để đón khách. Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở Du lịch Hà Nội sẽ ban hành và triển khai kế hoạch xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì trong thời gian tới.

Với Thừa Thiên Huế để tạo ra sự hấp dẫn, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Ngày hội Hiphop Huế 2023 vào cuối tháng 7, Ngày hội Lân vào đầu tháng 9 và Tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe vào tháng 11.

Các sự kiện du lịch này cùng Festival Thể thao Huế 2023 đang diễn ra và Ngày hội Áo dài Huế sắp diễn ra trong tháng 7... đã, đang và sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch tại Huế, góp phần vào sự phục hồi chung của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Golden Tour cho biết, các doanh nghiệp đã theo dõi rất sát quá trình soạn thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nên đã có sự chuẩn bị trước cả về mặt thông tin và sản phẩm du lịch.

Khi luật được Quốc hội thông qua, các doanh nghiệp gửi thông báo cho đối tác để có thể chủ động triển khai ngay khi luật có hiệu lực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục