Cưỡng chế phá dỡ sai phạm tại 8B Lê Trực: Lần thứ 3 không thực hiện theo cam kết

17:28' - 15/08/2016
BNEWS Đến ngày 15/8, đơn vị thi công đã phá dỡ được tổng cộng hơn 620 m2 sàn, cùng với 2 tum thang, trên tổng số 1.800 m2 sàn tầng 19, tòa nhà 8B Lê Trực, thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình.
Các lực lượng thi công đang tiến hành phá dỡ phần vi phạm tại tầng 19 tòa nhà sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh-TTXVN

Theo tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, đến ngày 15/8, ngày cuối cùng trong đợt cam kết rút ngắn thời gian phá dỡ còn 45 ngày tính từ 1/7, đơn vị thi công đã phá dỡ được tổng cộng hơn 620 m2 sàn, cùng với 2 tum thang, trên tổng số 1.800 m2 sàn tầng 19, tòa nhà 8B Lê Trực, thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Như vậy, đây là lần thứ 3, cam kết phá dỡ tầng 19 tòa nhà này không được thực hiện đúng theo kế hoạch.

Như Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, trước việc Công ty Hải Anh Phát tiến hành phá dỡ tầng 19, tòa nhà 8B Lê Trực, nhưng do thi công chậm, phía UBND phường Điện Biên đã chấm dứt hợp đồng phá dỡ với đơn vị này.

Sau đó, UBND phường Điện Biên tiếp tục ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Bắc về việc phá dỡ phần sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực.

Trên cơ sở phá dỡ của Công ty Hải Anh Phát được 328 m2, UBND phường Điện Biên với Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Bắc đã thống nhất rút ngắn thời gian phá dỡ phần còn lại của sàn tầng 19, còn 45 ngày, tính từ 1/7.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã hết thời gian so với hợp đồng nguyên tắc là 45 ngày nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Bắc chưa đưa máy móc hiện đại vào phá dỡ mà vẫn dùng khoảng 6 máy khoan bê tông, nén khí với khoảng 13 -15 công nhân thay nhau vận hành khoan, cắt từng miếng bê tông nhỏ.

Bình quân mỗi ngày công ty cắt được khoảng 15 m2 sàn tầng 19.

Trước việc chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực chưa chi trả phần kinh phí phá dỡ cho đơn vị thi công theo quy định, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu UBND quận Ba Đình ứng ngân sách cho đơn vị phá dỡ.

Đồng thời, xem xét phong tỏa tài khoản của chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực.

Đến thời điểm này, do chưa có dự toán và phương án phá dỡ được duyệt nên việc giải ngân kinh phí cho đơn vị phá dỡ và các bên liên quan chưa được thực hiện.

Theo lộ trình, sau khi phá dỡ xong tầng 19 (giai đoạn 1), các đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tính phương án phá dỡ giai đoạn 2.

Nhưng với tiến độ chậm như hiện nay, dư luận Thủ đô đang đặt câu hỏi, đến bao giờ mới phá dỡ xong phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực, mặc dù vụ việc đã có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục