Cường độ các cơn bão mùa Đông ở Nam bán cầu tăng nhanh hơn dự báo

14:40' - 27/05/2022
BNEWS Biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang diễn biến nhanh hơn dự báo, do vậy các nước cần gấp rút triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change số ra ngày 26/5, biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang diễn biến nhanh hơn dự báo, do vậy các nước cần gấp rút triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Nghiên cứu do các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Weizmann (WIS) ở Israel, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tiến hành, cho thấy sự gia tăng đáng kể cường độ các cơn bão mùa Đông ở khu vực Nam bán cầu.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh mô phỏng mô hình khí hậu với các quan sát về bão hiện nay, qua đó phát hiện ra rằng cường độ bão do các hoạt động của con người gây ra trong những thập kỷ gần đây đã lên tới mức mà các nhà khoa học dự báo sẽ xảy ra vào năm 2080.

Theo nhà nghiên cứu Rei Chemke của WIS đứng đầu nghiên cứu trên, các cơn bão mùa Đông tác động đến sự truyền nhiệt, độ ẩm và động lượng trong khí quyển, do đó ảnh hưởng đến các vùng khí hậu khác nhau trên Trái Đất.

Ông Chemke dự báo, nếu xu hướng này tiếp diễn thì thế giới sẽ chứng kiến mức độ gia tăng cường độ các cơn bão mùa Đông trong những năm và thập kỷ tiếp theo. Ông Chemke cảnh báo đây sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với người dân ở Nam bán cầu.

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong 20 năm qua, các cơn bão đã trở nên mạnh hơn do sự thay đổi của các luồng phản lực khí quyển trong vài thập kỷ qua, chưa kể những nguyên nhân khác.

Theo nghiên cứu, các hoạt động của con người có thể tác động lớn đến Nam bán cầu nhiều hơn ước tính trước đây. Do vậy, các nước cần hành động nhanh chóng và dứt khoát để giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại khu vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục