Cựu Phó Thủ tướng Đức muốn xuất khẩu gạo vào EU mang thương hiệu Việt

18:29' - 14/04/2022
BNEWS Việt Nam vốn nổi tiếng thế giới với thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản, tuy nhiên phần lớn là phân phối dưới thương hiệu của các đối tác quốc tế.

Do đó, câu chuyện xuất khẩu nông sản với chính thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn là “trăn trở” của các doanh nghiệp đầu ngành cũng như mối quan tâm của các cổ đông khi đầu tư vào doanh nghiệp nông nghiệp.

 

Tại đại hội đồng cổ đông thương niên năm 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) tổ chức ngày 14/4, Cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Roesler, thành viên HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, trong thời gian tới, Lộc Trời sẽ hướng tới việc tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thương mại nông sản, công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, hợp tác tín chỉ carbon...

“Gạo của Lộc Trời từ lâu đã đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất thế giới và được ưa chuộng tại châu Âu, tuy nhiên, chỉ đang được phân phối dưới thương hiệu của đối tác tại các nước sở tại. Là thành viên Hội đồng quản trị, tôi đang góp sức cùng đội ngũ đưa các sản phẩm như Lộc Trời 28, Jasmine, Vibigaba và Sức sống Mekong… xuất khẩu vào các nước châu Âu dưới chính thương hiệu Lộc Trời, giúp gạo Lộc Trời khẳng định vị thế chất lượng và tăng sản lượng tiêu thụ qua từng năm”, ông Philipp Roesler chia sẻ.

Ông Philipp Roesler là người Đức gốc Việt, được bầu là thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Ông từng chia sẻ muốn đóng góp để đem lại lợi ích cho LTG và cả Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng là nông nghiệp, nhất là khi Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội khi đã ký được các hiệp định thương mại tự do.

Với việc “chiêu mộ” thành công của LTG khi đó, giới đầu tư kỳ vọng Cựu Phó Thủ tướng Đức sẽ mang lại “làn gió” mới cho Lộc Trời nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Thực tế, trong thời gian qua, Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo sang thị trường EU.

Đây cũng là doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn để xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên đi thị trường châu Âu ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực. Năm 2021, sản lượng gạo xuất khẩu của Lộc Trời chiếm gần 70% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Việc xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính chính là một trong những thách thức hàng đầu đối với Lộc Trời nói riêng và các công ty nông sản nói chung. Tuy nhiên, một khi đã xuất khẩu thành công sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho lúa gạo và các loại nông sản được sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn của Việt Nam tại thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được, trong năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, tối ưu lợi ích cho cổ đông và nhà đầu tư trong dài hạn. LTG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng trong năm 2022, giảm nhẹ 4% so với thực hiện trong năm 2021.

Kế hoạch lợi nhuận này nằm trong chiến lược dài hơi đến năm 2024 mà LTG đã xây dựng, với cam kết lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng mỗi năm và kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ lần lượt qua các năm là 12% (năm 2021), 20% (năm 2022), 25% (năm 2023) và 30% (năm 2024).

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, năm 2022, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp, duy trì và phát huy vị thế trong ngành vật tư, dịch vụ nông nghiệp, chế biến, phân phối và xuất khẩu lúa gạo, Ban lãnh đạo Lộc Trời sẽ tiếp tục thử nghiệm các hướng đi mới, bao gồm việc cung cấp dịch vụ canh tác, bao tiêu, phân phối và xuất khẩu các loại rau màu, cây ăn quả.

Đồng thời, từng bước mở rộng sang thị trường thức ăn gia súc, sản phẩm hữu cơ, vi sinh… tận dụng thế mạnh trong việc có sẵn nguyên vật liệu đầu vào, sở hữu tri thức nông nghiệp, năng lực sản xuất lớn, khả năng tiêu thụ sản phẩm cùng với sự đồng hành của đối tác chiến lược.

“Dự kiến, chúng tôi sẽ phối hợp với đối tác để phát triển một sản phẩm bảo hiểm với mục đích bảo đảm thu nhập cho bà con nông dân liên kết với Lộc Trời. Nếu thành công thì đây sẽ là bảo hiểm nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam”, ông Thuận cho biết.

Trong năm 2021, Lộc Trời ghi nhận mức doanh thu thuần cao nhất trong lịch sử hoạt động, đạt 10.224 tỷ đồng, tăng 36%; lợi nhuận hợp nhất sau thuế công ty mẹ đạt 418 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Kết quả kinh doanh tạm tính trong quý 1/2022 cũng ghi nhận khá tích cực, với doanh thu thuần là 2.345 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm ngoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục