​Đã chuyển đổi cây trồng trên 77.000 ha đất lúa ở Nam Bộ

11:03' - 13/10/2021
BNEWS Việc chuyển đổi trên đất lúa giúp sử dụng nước tiết kiệm và mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, hệ số sử dụng đất tăng lên từ 1,5 - 2,2 lần tùy điều kiện của từng vùng.

Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây trồng, vật nuôi chuyển đổi trên đất lúa năm 2021 các tỉnh Nam Bộ ước đạt 77.328 ha. Việc chuyển đổi trên đất lúa giúp sử dụng nước tiết kiệm và mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, hệ số sử dụng đất tăng lên từ 1,5 - 2,2 lần tùy điều kiện của từng vùng.

Các đối tượng cây trồng và vật nuôi chuyển đổi như: sang trồng cây hàng năm là 51.189 ha, trồng cây lâu năm là 14.712 ha, nuôi trồng thủy sản là 11.427 ha.

Theo Cục trồng trọt, vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa phù hợp với kế hoạch chung, chưa có nhà máy chế biến và chưa có nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Một số cây trồng khi chuyển đổi nhưng lại có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra tiêu thu sản phẩm chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, kiểm soát chất lượng.

Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa đảm bảo khâu tiêu thụ mang tính bền vững. Chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ.

Một số địa phương chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị sản xuất trồng trọt nên việc khuyến cáo, tổ chức chuyển đổi chưa đạt hiệu quả cao. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, một số vùng chưa hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là đê bao, cống bọng, để phục vụ cho vùng màu có diện tích lớn. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được nông dân đồng tình ủng hộ cao nhưng những công trình nạo vét kênh mương bị bồi lắng, công trình thủy lợi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên tiểu vùng chưa hoàn chỉnh.

Riêng việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, một số diện tích nông dân trồng với nguồn giống có chất lượng cây chưa đạt yêu cầu. Nông dân chưa nhuần nhuyễn với kỹ thuật canh tác cây ăn quả, thiếu kiến thức và phương tiện, trang thiết bị cho trồng cây ăn quả, dẫn đến chất lượng không cao, khó đạt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ví dụ, trồng mật độ quá dày để khai thác tối đa quỹ đất, sử dụng phân bón và chất kích thích quá nhiều để nâng tối đa năng suất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng, nồng độ để phòng trừ dịch hại…

Việc tổ chức sản xuất chưa theo quy hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát, phổ biến là thuê đất của nông dân trồng lúa để trồng cây cam. Sự liên kết giữa sản xuất và thu mua tiêu thụ sản phẩm còn lõng lẽo, người sản xuất chưa nắm bắt kịp thời tín hiệu thị trường nên giá cả bấp bênh, chưa ổn định.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây ăn quả chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp. Trong khi đó, việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn quả đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Các địa phương cũng chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Theo Cục Trồng trọt, để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, các địa phương cần quan tâm tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Người dân lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt. Địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng.

Đồng thời, kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục